Cháu bé tử vong sau khi tiêm vaccine: Do sặc sữa?

Cháu bé tử vong sau khi tiêm vaccine: Do sặc sữa?
TP - Ngày 7/1, GS.TS Phạm Ngọc Đính, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo kết quả sơ bộ cuộc điều tra nguyên nhân làm cháu Nguyễn Ngọc Minh (Hà Nội), tử vong, đó là: nhiều khả năng cháu bị sặc sữa.

>> Để không có rủi ro khi đưa trẻ đi tiêm phòng

GS Đính cho biết: Vaccine viêm gan B cho trẻ có 3 mũi, cháu Minh ngày 4/1 tiêm mũi đầu tiên. Sau đó 6 – 7 tiếng cháu tử vong tại nhà khi mẹ cháu đang ngủ. Những kiểm tra ban đầu cho thấy không phải là sốc liên quan đến vaccine và do chất lượng vaccine.

Kiểm tra các khâu của dịch vụ tiêm chủng thì vaccine được bảo quản đúng quy định, nhân viên y tế đã khám và phân loại các cháu trước khi tiêm, trong cùng buổi đã tiêm 194 cháu cùng lô vaccine nói trên và 193 trường hợp không xảy ra vấn đề gì…

Kết luận của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an: Hai phổi xẹp, xung huyết, lòng khí quản có dịch màu trắng giống như dịch chảy ra từ hai lỗ mũi và dạ dày, do đó nghĩ nhiều đến khả năng cháu bị sặc sữa. Sữa đã chảy vào trong đường hô hấp.

Đây là thông báo rất sơ bộ. Nếu theo tinh thần này, có thể đây là một tai biến ngẫu nhiên xảy ra khi bị sặc sữa. Mũi tiêm ấy là một ngẫu nhiên và dễ bị quy kết là do hậu quả của tiêm chủng.

Có thể lý giải như thế nào khi trong thời gian qua liên tiếp có những ca tai biến sau tiêm?

Về mặt vaccine, chúng tôi đã rất cẩn thận gửi WHO, đưa sang các phòng thí nghiệm có uy tín cao như ở Paris, nhưng đều không phát hiện ra sai sót trong khâu sản xuất vaccine.

Hơn nữa, sau khi xảy ra sự cố chúng tôi thường điều tra ngay những yếu tố: Dây chuyền lạnh bảo quản vaccine, quy trình cung cấp vaccine, nhầm thuốc, nhầm vaccine, quá đát, không vô trùng, bao nhiêu trẻ được tiêm, trong điều kiện thế nào…

Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi không tìm ra sai sót hay lỗ hổng nào trong hệ thống cung cấp dịch vụ tiêm chủng mở rộng….

Tuy nhiên, khi thực hiện mũi tiêm, cần hết sức thận trọng, đặc biệt là tiêm cho trẻ sơ sinh. Chỉ cần nhích mũi tiêm một chút là tăng liều, giảm một chút là giảm liều… Do đó, kỹ thuật và liều lượng tiêm phải tuyệt đối tuân thủ, chưa kể phải đảm bảo vô trùng.

Sau tiêm, nên lưu trẻ lại trong 30 phút để theo dõi những phản ứng sau tiêm. Khi nào yên tâm rồi, dặn dò thêm bà mẹ và theo dõi tiếp. Theo quy định của Bộ Y tế phải theo dõi cho đến 30 ngày sau tiêm chủng.

Về phía bà mẹ, cần chủ động hỏi xem vaccine đó có đúng loại, đúng hạn không, không nên phó mặc hoàn toàn cho thầy thuốc. Nên bế con đi tiêm trong tình trạng trẻ khỏe mạnh; cung cấp cho thầy thuốc những chi tiết về trẻ như đẻ non, đang sốt, những biểu hiện bất thường, v..v… mà có thể người thầy thuốc không chú ý. Cần có sự cộng tác giữa ngành y tế với gia đình.

Trong khi chờ kết luận cuối cùng về trường hợp tử vong của cháu Minh, các bà mẹ có nên đưa con đi tiêm phòng hay không?

Thực tế vaccine có lợi, an toàn và hiệu quả, nếu như được tiêm một cách đúng chỉ định, đúng liều lượng, đúng cách. Tôi khuyên các bà mẹ vẫn nên đưa con em mình đi tiêm chủng.

Vì hiệu quả bảo vệ của tiêm chủng lớn, đã được chứng minh và Việt Nam thực hiện 20 năm qua thì tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm giảm rất nhiều, có những loại giảm đi 500 – 600 lần so với không tiêm chủng.

Xin cảm ơn ông!

Mỹ Hằng
(thực hiện)

MỚI - NÓNG