Sau bao tháng ngày mong ngóng, cuối cùng đứa con bé bỏng của vợ chồng anh Nguyễn Minh Toàn (28 tuổi) và chị Nguyễn Thị Phượng (29 tuổi), ngụ tại Ấp 3 (xã Thạnh Phú Đông, huyện Dồng Trôm, Bến Tre) đã chào đời. Tuy nhiên, hạnh phúc chưa “tày gang” thì bất hạnh đã ập đến, khi đứa con của anh chị sinh ra hoàn toàn không có hậu môn và bộ phận sinh dục. Cũng chính vì điều này, hai vợ chồng đến giờ vẫn không thể xác định giới tính con. Phút giây hạnh phúc hóa tận cùng bất hạnh
Theo lời kể của chị Phượng, sau thời gian mang bầu, tối ngày 13/6 chị trở dạ, được chồng đưa đến Bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM) để sinh. Sau khoảng nửa tiếng đau đớn và kiệt sức trên bàn sinh, chị Phượng cũng cảm thấy niềm hạnh phúc được làm mẹ khi loáng thoáng nghe được tiếng đứa trẻ khóc chào đời. Sau đó, chị ngất lịm đi vì quá mệt.
Anh Toàn đứng ngoài rất sốt ruột bởi cảm nhận một sự bất thường nào đó đang diễn ra. Linh tính của anh Toàn đã đúng khi anh bước vào phòng sinh và bàng hoàng nhận ra, đứa con bấy lâu nay vợ chồng anh mong đợi không có hậu môn và bộ phận sinh dục.
“Lúc bế cháu lên và từ từ kéo chiếc khăn ra, tôi như không thể tin vào mắt mình. Cháu không có bộ phận sinh dục, cũng không có hậu môn. Chỉ có hai khối thịt nhỏ nhô lên gần bàng quang. Còn lại là đều trơn láng, không tách biệt ra bộ phận nào. Tôi thật sự không biết nên coi cháu là con trai hay con gái”, anh Toàn nhớ lại.
Lặng lẽ bước ra khỏi phòng hộ sinh, anh Toàn ôm mặt khóc không thành tiếng, không còn quan tâm tới chuyện gì nữa. Tất cả những công việc sau sinh đều được một người bạn thân cùng mẹ anh lo liệu.
Sau khi ký giấy đồng ý cho con chuyển viện ngay trong đêm đến Bệnh viện Nhi Đồng II, cháu bé được nhập viện và nằm tại phòng cách ly của khoa sơ sinh. Tiến hành tất cả các khâu xác định tình trạng bệnh, ban hội chẩn của khoa sơ sinh đã kết luận, cháu bé bị dị tật bẩm sinh.
Theo các bác sĩ thì dạng bệnh này không phải hiếm gặp nhưng không tiến hành phẫu thuật cắt và tạo hậu môn giả để giúp cháu bé có thể bài tiết một cách bình thường thì tính mạng cháu rất nguy hiểm.
Anh Toàn cho biết, chị Phượng vốn sức khỏe yếu nên anh rất chăm lo lúc vợ thai kỳ. Anh thường đưa vợ đi khám ở những phòng khám chuyên môn. Nhiều lần khám thai, bác sĩ cho biết chị Phượng bị thiếu máu.
Mấy tháng đầu, anh Toàn đưa vợ đi khám tại một phòng khám tư tại quận Bình Thạnh. Tại đây, bác sĩ khám hướng dẫn vợ chồng anh đến một phòng khám lớn hơn để biết chính xác tình trạng sức khỏe của chị Phượng, xem có đủ điều kiện để nuôi thai hay không. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy, chị Phượng bị thiếu máu.
Lần chị Phượng đi xét nghiệm tại phòng khám đa khoa Hạnh Phúc (Q.10), bác sĩ cũng kết luận chị bị mắc bệnh thiếu máu trầm trọng. Điều này khiến với chồng anh Toàn rất lo lắng, sợ chị Phượng không đủ dưỡng chất để nuôi thai nhi. Đầu tháng thứ tư của thai kỳ, anh Toàn tiếp tục đưa vợ khám lại.
Lần này, anh chị thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi biết nước ối và thai nhi không có vấn đề gì nghiêm trọng. Vợ chồng yên tâm đón nhận hạnh phúc về đứa con đầu lòng mà không thể ngờ bất hạnh cũng đang ập đến.
Chị Phượng sau khi sinh rất yếu, phải nằm viện; đứa con cũng cần sự sát sao chăm sóc của các y bác sĩ nên hàng ngày, anh Toàn phải chạy đi, chạy lại giữa hai bệnh viện để chăm lo cho vợ con. Điều trớ trêu nhất là hiện nay, vợ chồng anh Toàn không biết nên xác định giới tính cho cháu bé là gì.
“Con tôi bây giờ vẫn chưa được đặt tên vì tôi biết cháu là trai hay gái. Vợ tôi thì vẫn còn rất yếu. Cô ấy khóc suốt dù gia đình và bạn bè an ủi rất nhiều. Chúng tôi vừa hụt hẫng, vừa lo sợ. Gia đình trước giờ đã khó khăn. Cưới nhau gần một năm mới dám có con. Vậy mà bây giờ con lại bị thế này. Không biết sau khi phẫu thuật, tương lai con tôi sẽ như thế nào nữa”, anh Toàn xót xa tâm sự.
Cần phẫu thuật gấp
Trường hợp con của vợ chồng anh Toàn là hiện tượng dị tật bẩm sinh, không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên, đối với những trường hợp không may mắn này, các bậc phụ huynh thường “sốc” và bối rối không biết nên làm thế nào, dẫn đến hậu quả khôn lường với đứa bé.
Bác sĩ Giang Trần Phương Linh (Phó trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Đồng II) cho biết, đâyvlà dị tật bẩm sinh về đường tiêu hóa. Các kết quả siêu âm thai kỳ đối với người mẹ hầu hết đều không có ý nghĩa vì thông qua hình ảnh siêu âm không thể phát hiện được dạng dị tật này. Hơn nữa, bệnh này có thể giải quyết được nhờ phẫu thuật, nên nếu phát hiện bệnh trong lúc mang thai các bậc cha mẹ cũng không phải hủy thai nhi.
Theo bác sĩ Linh, Bệnh viện Nhi Đồng II cũng từng có những ca bệnh tương tự. Kết quả cho thấy, khi nằm trong bào thai, thai nhi sẽ hình thành và bắt đầu phân chia đường tiêu hóa và đường niệu dục ra riêng. Tuy nhiên, có thể có những bào thai không phân chia mà dồn về một đường, và đây chính là trường hợp của con anh Toàn.
Trường hợp của cháu bé còn có tên gọi là bệnh tồn tại ổ nhớp (hoặc lộ ổ nhớp) vì hậu môn lộ ra ngoài. Có những trường hợp thì phía trên bàng quang lộ ra một khối thịt và không thể hiện rõ từng bộ phận của cơ quan sinh dục hay hậu môn. Do đó, giới tính của trẻ cũng khó xác định được.
Những trường hợp tương tự mà Bệnh viện Nhi Đồng II ghi nhận, thường dị tật hậu môn hay mắc ở những bé gái nhưng cháu bé con chị Phượng có nhiều đặc điểm giống nam.
Trước khi phẫu thuật chỉnh hình cho cháu bé, bệnh viện sẽ chụp hình y học để biết có tinh hoàn hay không. Đồng thời, cũng phải áp dụng phương pháp xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ, xác định một cách chính xác giới tính của cháu bé theo biểu đồ gen thì mới tiến hành phẫu thuật tạo cơ quan sinh dục.
“Hiện nay, ngoài những dị tật biểu hiện ra bên ngoài thì sức khỏe của bé hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh viện đang chờ quyết định từ phía gia đình cho bé phẫu thuật tạo hậu môn tạm. Tiếp theo sẽ là các lần phẫu thuật chỉnh hình lại hoàn thiện các cơ quan sinh dục và hệ thống tiêu hóa”, bác sĩ Linh cho biết.
Anh Toàn quê ở Trà Vinh, còn chị Phượng quê ở Bến Tre. Hai vợ chồng hiện đang làm nghề bán trái cây dạo ở TP.HCM. Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, chỉ lo nổi những bữa cơm qua ngày. Do điều kiện chưa có nên vợ chồng lấy nhau hơn 1 năm mới quyết định sinh con.
Vậy mà, niềm hạnh phúc, hi vọng của vợ chồng anh chị lại biến thành bi kịch ngày con chào đời. “Hiện tại, tôi chỉ biết cầu mong cho vợ và con khỏe, còn tiền bạc thì tôi sẽ chạy vạy rồi làm trả nợ sau”, anh Toàn tâm sự.
Dị tật có tỷ lệ mắc 1/5.000 ở trẻ sơ sinh
Theo thống kê trên thế giới, dị tật hậu môn trực tràng xảy ra với tỷ lệ 1/5.000 ở trẻ sơ sinh. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy nguyên nhân, chỉ biết dạng dị tật này xảy ra có liên quan đến một số yếu tố như mẹ nhiễm siêu vi khi mang thai, tiếp xúc với tia phóng xạ hoặc dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.
Dị tật trực tràng - hậu môn là do sự phát triển bình thường của bào thai gặp trục trặc. Đa số trẻ dị tật trực tràng, hậu môn là không có lỗ hậu môn. Trẻ sơ sinh sau 24h ra đời không đi tiểu được, chứng tỏ trực tràng, hậu môn có vấn đề và cần được can thiệp gấp nếu không rất nguy hiểm.
Dị tật trực tràng - hậu môn được phân làm 2 loại cao và thấp, tương ứng với cách điều trị khác nhau. Để phòng dị tật bẩm sinh, các cặp vợ chồng cần chuẩn bị sức khoẻ tốt khi quyết định sinh con. Người mẹ cần tiêm các loại vaccin phòng bệnh trước khi có thai như văc xin phòng bệnh Rubella, cúm.
Trong thời gian mang thai không nên tiếp xúc với hoá chất độc hại, không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ăn đủ chất dinh dưỡng, có tinh thần thoải mái.
Nếu trong gia đình có người bị dị tật, khi mang thai cần đi thăm khám thường xuyên hơn những người bình thường để kịp thời được tư vấn hướng dẫn biện pháp chăm sóc thai sản và sau sinh.