Châu Âu thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho công nghệ AI

0:00 / 0:00
0:00
TP - Liên minh châu Âu (EU) hy vọng sẽ thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho công nghệ trí tuệ nhân tạo – bao gồm lệnh cấm cảnh sát sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trực tiếp ở những nơi công cộng.

Nghị viện châu Âu đã phê duyệt các quy tắc nhằm thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho công nghệ, bao gồm từ chẩn đoán y tế tự động đến một số loại máy bay không người lái, từ video do AI tạo ra đến các chatbot như ChatGPT. Các thành viên Nghị viện sẽ đưa ra thông tin chi tiết với các nước thuộc khối EU trước khi dự thảo - được gọi là đạo luật AI - trở thành luật.

“AI đặt ra rất nhiều câu hỏi về mặt xã hội, đạo đức và kinh tế. Nhưng bây giờ không phải là lúc để nhấn nút “tạm dừng”. Ngược lại, chúng ta cần hành động nhanh chóng và nhận trách nhiệm”, ông Thierry Breton, ủy viên châu Âu về thị trường nội địa cho biết.

Các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ hạn chế lệnh cấm hoàn toàn đối với công nghệ sinh trắc học, bởi vì lực lượng cảnh sát vẫn muốn tận dụng nó để nhận diện tội phạm khi họ xuất hiện trong các khu vực công cộng. Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) thuộc EU cho biết, công nghệ này có thể có tính quan trọng thiết yếu trong việc chống tội phạm và khủng bố, cũng như tìm kiếm trẻ em mất tích.

Theo dự luật, công nghệ nhận dạng cảm xúc, được sử dụng ở một số vùng để xác định khi các tài xế xe tải mệt mỏi, cũng sẽ bị cấm tại nơi làm việc và khu vực quanh trường học. Chủ tịch nghị viện châu Âu, bà Roberta Metsola mô tả dự luật là “luật pháp chắc chắn sẽ thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu trong nhiều năm tới”. Bà tin rằng EU hiện có khả năng thiết lập tiếng nói trên toàn thế giới và “một thời kỳ giám sát mới” đã bắt đầu.

Châu Âu thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho công nghệ AI ảnh 1
Quốc hội châu Âu

Ông Brando Benifei, đồng báo cáo viên của ủy ban AI của quốc hội, cơ quan đã đưa luật đến giai đoạn bỏ phiếu nói rằng, luật nhận dạng khuôn mặt sẽ cung cấp “một biện pháp bảo vệ rõ ràng để tránh mọi rủi ro bị giám sát hàng loạt”. Đồng báo cáo viên của ông, ông Dragos Tudorache cho biết, nếu luật đã có hiệu lực, chính phủ Pháp sẽ không thể thông qua luật trong năm nay cho phép nhận dạng khuôn mặt trực tiếp để giám sát đám đông tại Thế vận hội 2024.

Để chống lại nguy cơ vi phạm bản quyền cao, luật sẽ bắt buộc các nhà phát triển chatbot phải xuất bản tất cả các tác phẩm của các nhà khoa học, nhạc sĩ, họa sĩ minh họa, nhiếp ảnh gia và nhà báo được sử dụng để đào tạo AI. Họ cũng sẽ phải chứng minh rằng mọi phương pháp họ làm để đào tạo cỗ máy đều hợp pháp. Nếu không tuân thủ, họ có thể bị buộc phải xóa ứng dụng ngay lập tức hoặc bị phạt nộp 7% doanh thu, đồng nghĩa với hàng trăm triệu Euro cho các công ty công nghệ. “Có rất nhiều điều phải canh chừng trong đó”, ông Tudorache nói.

Ngoài ra, ngày càng nhiều người kêu gọi điều chỉnh AI trên khắp Đại Tây Dương, tạo áp lực với các chính phủ phương Tây phải hành động nhanh chóng trong cuộc chiến mà một số người đã miêu tả là để “bảo vệ nhân loại”. Trong khi những người ủng hộ AI ca ngợi công nghệ này về cách nó sẽ biến đổi xã hội, bao gồm các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sáng tạo, thì những người khác lại lo lắng về khả năng làm suy yếu xã hội của nó.

Ngay cả khi luật được thông qua vào cuối năm nay, nó sẽ không có hiệu lực cho đến ít nhất là năm 2026, buộc EU phải thúc đẩy một hiệp ước tạm thời tự nguyện với các công ty công nghệ. Bà Margrethe Vestager, giám đốc chống độc quyền của EU cho biết, vẫn chưa có thể đạt được sự thỏa thuận khi quốc hội bao gồm những người ủng hộ lệnh cấm dựa trên cơ sở quyền riêng tư, nhưng những người khác lại xem xét nó về mặt an ninh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.