Trả lời phỏng vấn BBC hôm 20/11, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Hans Kluge nhắc lại cảnh báo mà ông đưa ra hồi đầu tháng, rằng “lục địa già” đến tháng 3/2022 có thể ghi nhận thêm khoảng nửa triệu ca tử vong do COVID-19 nếu không hành động ngay lập tức. Chuyên gia WHO viện dẫn một số nguyên nhân khiến số ca COVID-19 ở nhiều quốc gia chạm mốc kỷ lục, như mùa đông đến khiến người dân ở trong nhà nhiều hơn, tỷ lệ tiêm vắc xin chưa đủ cao trong khi biến thể Delta vẫn đang thống trị. Ông kêu gọi các quốc gia tăng cường tiêm vắc xin và áp dụng quy tắc y tế công cộng như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang…, còn việc bắt buộc tiêm chủng chỉ nên được coi là biện pháp cuối cùng.
Từ 15/11, Áo trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu áp dụng lệnh phong toả đối với người chưa tiêm vắc xin. Tuy nhiên, chính phủ nước này nhanh chóng nhận ra rằng những biện pháp này là chưa đủ. Ngày 19/11, Thủ tướng Alexander Schallenberg tuyên bố áp lệnh phong toả toàn quốc từ 22/11, kéo dài tối đa 20 ngày. Với lệnh này, người dân Áo không được phép rời khỏi nhà, trừ một số trường hợp đặc biệt. Người lao động làm việc tại nhà trong khi cửa hàng thiết yếu đóng cửa. Trường học vẫn sẽ mở cửa đối với những trẻ em có nhu cầu học trực tiếp. Ngoài ra, lệnh tiêm chủng bắt buộc được áp dụng từ 1/12. Như vậy, Áo trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới thực hiện tiêm chủng bắt buộc, sau Indonesia, Micronesia và Turkmenistan, theo Euro News. Thủ tướng Schallenberg cho rằng việc này là cần thiết, vì “có quá nhiều tin giả ở đất nước chúng tôi” khiến nhiều người chần chừ không tiêm chủng. “Kết quả là các khu chăm sóc đặc biệt rơi vào tình trạng quá tải”, ông Schallenberg nói.
Tương tự Áo, chính quyền nhiều quốc gia châu Âu khác tỏ ra mất kiên nhẫn khi tỷ lệ tiêm chủng không tăng lên. Một số quốc gia đã quyết định áp dụng lệnh phong toả một phần và lệnh hạn chế đối với những người chưa tiêm vắc xin.
Từ 22/11, Slovakia cấm những người chưa tiêm chủng đến cửa hàng và trung tâm mua sắm. Họ cũng không được phép tham dự bất cứ sự kiện công cộng nào, và phải xét nghiệm hai lần một tuần để được đi làm.
Slovakia, nơi chỉ có 45,3% dân số được tiêm chủng đủ liều, đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao chưa từng thấy vào 20/11, với 9.171 ca.
Cần lập tức nhấn phanh
Tại Đức, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel cho biết một số lệnh hạn chế sẽ được áp dụng ở những khu vực quá tải bệnh nhân COVID-19. Bà Merkel gọi đây là động thái cần thiết để làm chậm làn sóng dịch thứ tư. Cụ thể, ở những nơi có tỷ lệ nhập viện vượt quá một ngưỡng nhất định, chỉ những người đã tiêm phòng hoặc vừa khỏi bệnh mới có thể dùng bữa tại nhà hàng, tham gia các sự kiện văn hoá, thể thao.
Việc hàng loạt quốc gia áp đặt lệnh hạn chế với những người chưa tiêm chủng đã tạo nên một làn sóng phản đối ở châu Âu. Trong quá khứ, nhiều quốc gia từng áp dụng tiêm chủng bắt buộc đối với các bệnh như đậu mùa, bại liệt. “Không có tự do cá nhân nào là tuyệt đối”, giáo sư Paul De Grauwe của Trường Kinh tế London nói. “Quyền tự do lựa chọn việc tiêm chủng cần được giới hạn để đảm bảo sức khoẻ cho những người khác”.
Trung bình trong vòng một tuần trở lại đây, Đức phát hiện khoảng 40.000 ca mắc COVID-19/ngày. Con số này đạt kỷ lục vào ngày 18/11, với 64.164 ca. Tỷ lệ tiêm chủng đủ liều ở Đức đạt 67,7%, nhưng ở một số khu vực, con số này chỉ đạt 57,6%.
Lothar Wieler, người đứng đầu Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, kêu gọi chính quyền phong tỏa diện rộng. “Toàn nước Đức đã trở thành ổ dịch lớn. Đây là tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Chúng ta cần lập tức nhấn phanh”, ông Wieler nói với các nhà báo ở Berlin.
Ở Séc, số ca mắc mới COVID-19 chạm mốc kỷ lục 22.945 ca vào 20/11, theo Worldometers. Ngày 18/11, số ca tử vong do COVID-19 ở Séc vượt mốc 100 lần đầu tiên kể từ tháng 4. Để làm chậm tốc độ lây lan COVID-19, Chính phủ Séc ban hành hạn chế mới nhằm vào những người chưa tiêm chủng. Từ 22/11, những người chưa tiêm vắc xin không được phép tham dự các sự kiện công cộng, đến quán bar, nhà hàng, tiệm làm tóc, bảo tàng… dù có kết quả xét nghiệm âm tính.
Tại Hy Lạp, những quy định khắt khe cũng sẽ được áp dụng với người chưa tiêm chủng trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 chạm mốc kỷ lục và số ca tử vong cao nhất trong 6 tháng. Ở thành phố Thessaloniki và Volos, các bệnh viện thiếu giường chăm sóc đặc biệt đến mức phải đặt nội khí quản cho bệnh nhân ở hành lang và bãi đậu xe. Khoảng 2/3 dân số Hy Lạp đã được tiêm phòng đầy đủ. Nhưng ở khu vực phía Bắc, tỷ lệ này còn khá thấp, có những nơi chưa đạt 50%, theo AP.
Birgitte Schoenmakers, bác sĩ đa khoa, giáo sư tại Đại học Leuven (Bỉ), nói rằng, câu chuyện tiêm chủng đang khiến người dân châu Âu bị chia rẽ. Các nhà chức trách từ lâu phản đối ý tưởng tiêm chủng bắt buộc, nhưng sự xuất hiện của biến thể Delta đã buộc họ phải nghĩ lại. “Thay đổi quan điểm về vấn đề này là một việc vô cùng khó khăn”, Schoenmakers nói.