COVID-19 lại biến châu Âu đen tối

0:00 / 0:00
0:00
Các chợ Giáng sinh ở Áo sẽ chỉ mở cửa cho những người đã tiêm vắc xin hoặc khỏi COVID-19Ảnh: Getty
Các chợ Giáng sinh ở Áo sẽ chỉ mở cửa cho những người đã tiêm vắc xin hoặc khỏi COVID-19Ảnh: Getty
TP - Mọi thứ trông như thể đại dịch chưa bao giờ xảy ra. Ở Cologne (Đức), hàng ngàn người ăn diện đứng sát bên nhau cùng đếm ngược để chào đón mùa lễ hội bắt đầu từ 11h sáng ngày 11/11.

Tại Paris (Pháp), các quán bar và câu lạc bộ mở cửa muộn và chật kín khách trong ngày lễ quốc gia 10/11. Tại Amsterdam (Hà Lan), mọi hoạt động diễn ra như bình thường ở những quán cà phê xung quanh khu Leidseplein.

Nhưng thay vì báo trước một mùa lễ hội với đỉnh điểm là Giáng sinh và năm mới, những cảnh tượng đó có lẽ là dịp ăn chơi cuối cùng khi làn sóng COVID-19 lần thứ tư quét qua châu Âu. Nửa tá thị trấn của Hà Lan đã huỷ bỏ lịch lễ hội đường phố, trong khi các chợ Giáng sinh nổi tiếng ở Đức có thể không được tổ chức, The Guardian đưa tin.

Cuối tuần qua, Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên của Tây Âu kể từ mùa hè năm nay áp lệnh phong toả một phần. Trong khi đó, Berlin (Đức) cấm người chưa tiêm phòng vào nhà hàng. Pháp đang chạy đua để triển khai tiêm mũi tăng cường. Châu Âu một lần nữa lại trở thành tâm dịch.

Số liệu cho thấy tốc độ lây nhiễm COVID-19 ở Đức đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số ca mắc trên 100.000 dân trong tuần qua tăng từ 289 lên 303/ngày, theo số liệu của Viện Robert Kock công bố ngày 15/11. Số người tử vong tăng thêm 43 lên tổng số 97.715. Ba đảng của Đức đang đàm phán kế hoạch siết chặt kiểm soát nhằm đối phó với làn sóng lây nhiễm mới, đồng Chủ tịch đảng Xanh Robert Habeck cho biết trước khi trình kế hoạch lên Quốc hội vào ngày 18/11.

Trong khi đó, Áo vừa quyết định phong toả với những người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 từ ngày 15/11. Cảnh sát sẽ kiểm tra để bảo đảm việc tuân thủ, dù các tuyến đường vẫn nhộn nhịp như bình thường.

Hans Kluge, Giám đốc WHO của khu vực châu Âu, tuần trước từng yêu cầu nhà chức trách các nước châu Âu cần đẩy nhanh triển khai tiêm chủng, bao gồm tiêm cho trẻ em và mũi tiêm nhắc lại cho nhóm rủi ro. “Đa số người nằm viện và tử vong vì COVID-19 hiện nay là người chưa tiêm chủng đầy đủ”, ông nói.

Chính phủ Áo cho biết khoảng 2 triệu trong tổng dân số 9 triệu người của nước này giờ chỉ được phép rời khỏi nhà với một số lý do, như làm việc hoặc mua đồ dùng thiết yếu. Mục đích của biện pháp này là nhằm đối phó với tình trạng số ca mắc tăng cao kỷ lục, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở Áo mới đạt 65% dân số, thuộc nhóm thấp nhất của khu vực Tây Âu.

Áo là một trong những nước hứng thiệt hại nhiều nhất trong làn sóng lây nhiễm thứ tư của châu lục. “Mục tiêu của tôi rất rõ ràng: đưa những người chưa tiêm đi tiêm, chứ không phải khoá cửa với những người chưa tiêm”, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg nói trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanhORF ngày 14/11 để giải thích về chính sách hạn chế mới. Nhiều người dân Áo vẫn hoài nghi về vắc xin, khi quan điểm này được khuyến khích bởi Đảng Tự do cực hữu, đảng lớn thứ ba trong Quốc hội Áo.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở châu Âu tăng 7% và tỷ lệ tử vong tăng 10% trong tuần qua, khiến châu lục này trở thành khu vực duy nhất trên thế giới có số ca mắc và tử vong đang tăng đều. Gần 2/3 số ca mắc mới của thế giới, tương đương 1,9 triệu người, tập trung ở châu Âu, đánh dấu tuần thứ 6 liên tiếp số ca mắc gia tăng ở “lục địa già”, WHO cho biết.

Anh ngược chiều

Một lần nữa tình hình dịch bệnh ở Anh và châu Âu đang đi ngược chiều nhau. Trong khi số ca mắc ở Anh đang giảm thì Pháp, Đức, Áo và nhiều nước châu Âu khác ghi nhận số ca mắc tăng mạnh trong những tuần gần đây. Thực tế hiện nay đặt ra một câu hỏi: liệu tình hình ở Anh sẽ giống Liên minh châu Âu sau vài tuần nữa hay số ca mắc ở châu Âu đang đạt đỉnh và bắt đầu giảm như ở Anh?

GS Mark Woolhouse, công tác tại ĐH Edinburgh, cho rằng Anh đang đi trước châu Âu. “Nhân tố chính trong quá trình này là sự xuất hiện của biến chủng Delta. Biến chủng này tấn công Anh sớm hơn nhiều quốc gia châu Âu khác. Làn sóng lần này xảy ra vào thời điểm khả năng bảo vệ của vắc xin, nhất là với các nhóm dễ bị tổn thương, bắt đầu suy yếu đáng kể”, ông nói với Observer.

Michael Head, chuyên gia dịch tễ tại ĐH Southampton, cho rằng các nước châu Âu đang ở thời điểm của Anh cách đây vài tháng. “Anh triển khai chương trình tiêm chủng sớm hơn hầu hết các quốc gia, vì thế cũng trải qua tình trạng suy giảm tác dụng của vắc xin sớm hơn. Nhưng nay các mũi vắc xin tăng cường được triển khai ở Anh rõ ràng đang có tác dụng”, ông nói.

Các chuyên gia đồng ý rằng bên cạnh các yếu tố tiêm phòng và khả năng bảo vệ của vắc xin suy giảm thì việc mọi người chủ quan hơn với việc đeo khẩu trang và giãn cách, cùng với các biện pháp nới lỏng hạn chế trong mùa hè qua góp phần gây ra làn sóng hiện nay.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.