Châu Âu chấn động vì vụ xe tải nêm chặt xác người di cư

71 thi thể người nhập cư được phát hiện trong chiếc xe tải chở thịt đông lạnh. Ảnh: Guardian
71 thi thể người nhập cư được phát hiện trong chiếc xe tải chở thịt đông lạnh. Ảnh: Guardian
TP - Vụ chiếc xe tải chở đầy tử thi người di cư bị bỏ mặc trên đường cao tốc ở Áo hôm 27/8 được coi là “tiếng gọi cảnh tỉnh” để châu Âu làm nhiều hơn nữa trước làn sóng di cư ồ ạt. Chính quyền Áo thậm chí còn đề xuất biện pháp “hạn ngạch nhập cư”.

Giới chức Áo hôm qua cho biết 3 đối tượng đã bị bắt sau khi chiếc xe tải đầy chặt hơn 71 tử thi bị bỏ mặc trên đường cao tốc cách biên giới Hungary không xa. 59 người đàn ông, 8 phụ nữ và 4 đứa trẻ, trong đó có một bé gái khoảng 1-2 tuổi, và một bé trai 8 tuổi, chết trong khoang chở hàng của xe tải. Những nạn nhân này được cho là người Syria vì một giấy tờ đi lại ở Syria được tìm thấy trong xe tải. Cảnh sát cho biết các nạn nhân đã chết ít nhất 24 giờ đồng hồ trước khi được phát hiện, nhiều tử thi đã bắt đầu phân hủy vì thời tiết nóng.

Chiếc xe từng là tài sản của một công ty thực phẩm Slovakia nhưng nay đang mang biển số Hungary. Giới chức cho biết nó đã được đăng ký dưới tên một công dân Romania gốc Li-băng đang sống ở miền trung Hungary. Người đàn ông này nằm trong số 3 nghi phạm bị cảnh sát bắt. Giới chức Hungary cũng đã bắt tổng số 7 người liên quan đến vụ việc, nhưng cảnh sát Áo cho biết họ tập trung điều tra 3 người Hungary.

 Giới chức sẽ cho khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân các nạn nhân thiệt mạng, nhưng Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner nói rằng họ chết vì ngạt. Bà Johanna gọi đây là “tiếng gọi cảnh tỉnh” cho châu Âu. “Cú sốc và sự cảm thông của chúng tôi đối với gia đình các nạn nhân là không đủ, chúng ta cần phải hành động”, bà Johanna nói.

Hồi đầu tuần, cảnh sát Áo bắt 3 lái xe vì nghi ngờ chở người di cư từ Syria và những vùng chiến khác sang EU. Một đối tượng trong số này đã nhồi 34 người, bao gồm 10 trẻ nhỏ, vào khoang sau chiếc xe tải để chở qua biên giới Áo. Nhóm này bị tài xế bỏ lại trên đoạn đường gần thành phố Bruck an der Leitha. Theo cảnh sát, những người di cư cho biết họ bị khó thở trong suốt chuyến đi và nhiều lần xin tài xế mở cửa không khí vào, nhưng bị tài xế phớt lờ trong suốt hành trình không nghỉ từ Serbia đến Áo.

“Hạn ngạch” nhập cư

EU đang bị choáng ngợp trước làn sóng di cư quá ồ ạt. Chỉ riêng tháng trước đã ghi nhận con số kỷ lục 107.000 người vượt biên giới vào EU. Tuần trước, cảnh sát Macedonia nỗ lực nhưng không ngăn chặn người di cư tràn vào nước này, dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Hôm 26/8, cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc cho biết mỗi ngày có khoảng 3.000 người đi từ Hy Lạp sang Macedonia trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Các nước EU khác như Hy Lạp và Ý, cũng đang phải giải quyết gánh nặng người tị nạn tràn vào qua đường biển và đường bộ. Nhưng nhiều người trong số họ chỉ đi qua những nước này để sang quốc gia Tây Âu.

Mới hôm 27/8, hai con tàu chở khoảng 500 người di cư bị lật úp ở ngoài khơi Libya, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Cảnh sát mới vớt được 82 thi thể, cứu được gần 200 người, còn hàng trăm người khác đang mất tích, BBC đưa tin.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế, gần 300.000 người đã vượt qua Địa Trung Hải trong năm nay, trong đó hơn 2.300 người thiệt mạng nửa đường, cao gấp gần 300 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Với sự ủng hộ của Áo, Đức đang muốn áp dụng hệ thống hạn ngạch nhập cư bắt buộc trên khắp EU cho dù đề xuất này bị các lãnh đạo EU bác bỏ gay gắt trong một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6. Đức dự kiến sẽ nhận khoảng 800.000 đơn xin tị nạn trong năm nay. EU cũng đang cân nhắc đưa ra danh sách “những quốc gia xuất phát an toàn” mà những người rời khỏi danh sách các nước này sang EU sẽ nhanh chóng bị trục xuất.

Trong bối cảnh chính sách biên giới chung của EU ngày càng rối loạn, các quốc gia thành viên đang tự họ giải quyết vấn đề này. Hungary dựng một tường rào mới dọc biên giới với Serbia, cho dù số người tị nạn tràn qua tuyến đường này đã giảm trong tuần qua. Sáng kiến này bị Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier bác bỏ, vì “chúng ta không ủng hộ những tường rào”.

Phó Giám đốc tại EU của Tổ chức Ân xá quốc tế, ông Gauri van Gulik, nói rằng các quốc gia trong khu vực cần hành động khẩn cấp. “Tình trạng người chết tính theo chục bị nhồi nhét lên xe tải hoặc tàu thủy để tìm đến cuộc sống tốt đẹp hơn hoặc an toàn hơn chính là bản cáo trạng bi thảm cho sự thất bại của EU trong việc mang đến cho họ lựa chọn tốt hơn”, ông Gulik nói, đồng thời cho rằng EU cần làm nhanh hơn, chia sẻ trách nhiệm tốt hơn và thể hiện sự đoàn kết với các quốc gia khác và những người hoàn cảnh nhất.

Vụ phát hiện chiếc xe tải chất đầy xác người phủ bóng đen lên những cuộc họp tại Vienna, nơi các lãnh đạo châu Âu có mặt từ hôm 27/8 nhằm thảo luận cuộc khủng hoảng di cư ngày càng tồi tệ trên lục địa này.

Tại hội nghị lần này, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz đưa ra kế hoạch 5 điểm nhằm tạo nên thiên đường an toàn cho những người di cư ở chính quê hương của họ. Ngoài những khu vực an toàn do binh lính Liên Hợp Quốc bảo vệ này, Áo còn đưa ra đề xuất thắt chặt tuần tra biên giới vòng ngoài và gia tăng phối hợp chống buôn bán người, AP đưa tin. 

Estonia hôm qua cho biết họ muốn dựng tường rào dài 110km dọc biên giới phía đông với Nga để tăng cường an ninh và bảo vệ khu vực Schengen miễn hộ chiếu của EU, trong bối cảnh cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đang nghiêm trọng.

MỚI - NÓNG