Châu Á - Thái Bình Dương cần tiếp tục là động lực tăng trưởng

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Ảnh: BNG
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC. Ảnh: BNG
TP - Phát biểu bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương), Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, trước hàng loạt thách thức chưa từng có đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò khởi xướng ý tưởng, động lực của sáng tạo, tăng trưởng và liên kết kinh tế.

Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC diễn ra tại Lima, Peru hôm qua là sự kiện quan trọng nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương và được tổ chức thường niên trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC với sự tham dự của khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn hàng đầu khu vực. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, năm nay là năm thứ năm liên tiếp tăng trưởng toàn cầu ở dưới mức trung bình 3%, thương mại toàn cầu cũng ở mức thấp nhất trong 15 năm qua và tăng trưởng chung của APEC có nguy cơ chậm lại so với thế giới. Cùng với đó, biến đổi khí hậu, khủng bố quốc tế, dịch bệnh, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, vấn đề di cư… đang đặt ra nhiều thách thức chưa từng có đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững…

Chủ tịch nước cho rằng, trong thế giới toàn cầu hóa đầy biến động, hơn bao giờ hết, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò khởi xướng ý tưởng, động lực của sáng tạo, tăng trưởng và liên kết kinh tế. Trọng tâm của những năm tới là cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức sáng tạo của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa... Các nền kinh tế thành viên cần kiến tạo một APEC vì người dân, vì doanh nghiệp, góp phần duy trì châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất và dự báo đến năm 2020 sẽ nằm trong số 5 quốc gia đứng đầu châu Á - Thái Bình Dương về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chế tạo. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Nhà nước kiến tạo, minh bạch, hiệu quả, vì người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể; khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm thực thi, đề cao thượng tôn pháp luật, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Là nền kinh tế năng động có độ mở lớn và là điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam ngày càng gắn kết sâu rộng với hai bờ Thái Bình Dương thông qua các quan hệ đối tác, Cộng đồng ASEAN và mạng lưới 16 hiệp định thương mại tự do với 59 đối tác, trong đó có 18 nền kinh tế thành viên APEC. Hợp tác hiệu quả của các doanh nghiệp APEC tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tại các nền kinh tế APEC là minh chứng sinh động của sự gắn kết này.

Đánh giá cao sự ủng hộ và đồng hành của Cộng đồng doanh nghiệp APEC trong suốt chặng đường 30 năm đổi mới và gần 20 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang giới thiệu chủ đề của Năm APEC 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và đề nghị các doanh nghiệp cùng làm nên Năm APEC 2017 với nhiều dấu ấn mới, đề xuất sáng kiến, ý tưởng thiết thực. Nhà nước và nhân dân Việt Nam mong chào đón các doanh nghiệp APEC đến Việt Nam tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC và Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC tại thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp và năng động vào tháng 11 năm tới. Các cơ hội mới và tiềm năng hợp tác to lớn đang chờ đón mọi doanh nghiệp.

Thúc đẩy các quan hệ song phương

Nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC, hôm 19/11 (ngày 20/11 theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp song phương Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull…

Tại cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Trung Quốc phối hợp với Việt Nam có biện pháp bảo đảm quan hệ thương mại song phương phát triển cân bằng, bền vững, nâng cao chất lượng và hiệu quả các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam và tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực hợp tác. 

Tại cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai bên duy trì trao đổi, tiếp xúc cấp cao ở tất cả các cấp, phối hợp chặt chẽ trong triển khai tốt Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Chủ tịch nước cũng đề nghị các cơ quan hữu quan của Nga tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu sang Nga hàng tiêu dùng, các loại thủy, hải sản…, và có biện pháp bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp cho người Việt Nam sinh sống, lao động tại Nga. Tổng thống Putin khẳng định, Nga rất mong muốn cùng Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật… Tổng thống Putin tin tưởng việc triển khai tốt Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Canada tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Canada, duy trì vị trí của Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có nhiều sinh viên nhất tại Canada. Thủ tướng Canada mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam, đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực và khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, hai nước cần tăng cường trao đổi đoàn, nhất là đoàn cấp cao, đồng thời đề nghị Úc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có thanh long.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng gặp Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah Mu’izzaddin Waddaulah, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill. Cũng nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng New Zealand John Key, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto.

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.