Ngày 17/11 (giờ địa phương), Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 28 của APEC khai mạc tại thủ đô Lima của Peru.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng thống nước chủ nhà Mercedes Rosalba Aráoz Fernández, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2016, nhấn mạnh nhu cầu gia tăng hợp tác APEC trước những thách thức mới đối với tăng trưởng và liên kết khu vực, đồng thời đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các nền kinh tế thành viên trong triển khai các ưu tiên của APEC năm 2016.
Hội nghị tiến hành 3 phiên thảo luận về tăng cường liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng, thúc đẩy thị trường lương thực khu vực, hiện đại hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các bộ trưởng đánh giá tình hình thế giới và khu vực đang nổi lên nhiều bất ổn, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm nay tiếp tục suy giảm. Mặc dù năm qua APEC đạt được những kết quả nhất định trong hợp tác trên cả 3 trụ cột, song các thách thức trở nên phức tạp hơn. Các bộ trưởng đánh giá cao báo cáo rà soát việc thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư.
Hội nghị nhất trí cần đẩy mạnh nỗ lực liên kết khu vực, đặc biệt là về cải cách cơ cấu, kết nối toàn diện, hạ tầng cơ sở chất lượng, thuận lợi hóa đầu tư, kết nối chuỗi cung ứng, các vấn đề kinh tế thương mại thế hệ mới, kinh tế số, thương mại điện tử, củng cố hệ thống thương mại đa phương… Các bộ trưởng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ và hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) đối với tăng trưởng chất lượng.
Phát biểu dẫn đề tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, những thách thức ngày càng mang tính đa chiều, đan xen phức tạp, tăng trưởng kinh tế và thương mại thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nay, các điểm nóng và chủ nghĩa khủng bố lan rộng, bất bình đẳng gia tăng, biến đổi khí hậu tác động chưa từng có… Nhưng châu Á - Thái Bình Dương vẫn là động lực của tăng trưởng, liên kết toàn cầu và APEC duy trì được đà hợp tác với những bước tiến quan trọng. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, trước những chuyển biến sâu sắc trong kỷ nguyên số, APEC cần tiếp tục thể hiện vai trò là cơ chế khởi xướng ý tưởng và động lực của tăng trưởng, liên kết khu vực. Diễn đàn cần tiên phong làm sống động thương mại và đầu tư khu vực, cũng như điều phối các liên kết đa tầng nấc ở khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Cộng đồng ASEAN, Liên minh Thái Bình Dương… hướng tới hình thành FTAAP và quan hệ đối tác toàn khu vực.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng, và cùng các thành viên APEC tiếp tục nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, liên kết và thịnh vượng ở khu vực.
Trong ngày họp thứ hai, Hội nghị sẽ tiến hành các phiên họp về
phát triển nguồn nhân lực, phối hợp các tổ chức khu vực là quan sát viên của APEC, và công tác chuẩn bị cho Năm APEC 2017 tại Việt Nam.
Nhân dịp dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp, trao đổi rộng rãi với nhiều đại biểu, trong đó có Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay và Quốc vụ khanh cao cấp Bộ Ngoại giao và Quốc phòng Singapore Mohamad Osman. Các nước nhất trí tiếp tục cùng Việt Nam tăng cường các mối quan hệ đối tác song phương cũng như đẩy mạnh phối hợp tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong năm 2017 khi Việt Nam đăng cai APEC. Các nước nhấn mạnh ý nghĩa của Năm APEC 2017 đối với liên kết khu vực và khẳng định đây cũng là cơ hội để làm sâu sắc quan hệ song phương với Việt Nam.