Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

Châu Á - TBD cần có cấu trúc an ninh khu vực toàn diện

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 25/11 tại Phủ Thủ tướng ở Berlin. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 25/11 tại Phủ Thủ tướng ở Berlin. Ảnh: TTXVN.
TP - Sáng 26/11 tại Viện Koerber, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài phát biểu quan trọng về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế mà Việt Nam và Đức cùng quan tâm.  

Tham gia buổi đối thoại tại Viện Koerber, đại diện phía Việt Nam và Đức đã làm rõ tầm quan trọng địa chiến lược của châu Á - Thái Bình Dương (TBD) cũng như vai trò quan hệ Á-Âu trên bản đồ chính trị và phát triển toàn cầu. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà nghiên cứu cũng đề cập nhiều thách thức mới ở châu Á - TBD. Chủ tịch nước phát biểu: “Châu Á - TBD cần có một cấu trúc an ninh khu vực toàn diện và hiệu quả, được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích của nhau; các nước ứng xử và hành động có trách nhiệm; giải quyết các bất đồng, các tranh chấp lãnh thổ, trong đó có vấn đề biển Đông, bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982”. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Hòa bình và phát triển là lợi ích chung của các nước trong khu vực; đi ngược lợi ích này là đẩy lùi lịch sử”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam tích cực hợp tác và hoan nghênh mọi chính sách của các nước đối với châu Á - TBD nếu chính sách đó cùng có lợi và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Việt Nam nhất quán không liên minh với nước này để chống phá nước khác, đồng thời kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. 

Trước đó, chiều 25/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hai nhà lãnh đạo trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; nhất trí tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, Đức ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và ASEAN giải quyết vấn đề biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại biển Đông. 

Tạo điều kiện để người Việt sinh sống, làm ăn ổn định

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Angela Merkel đánh giá cao sự phát triển nhanh và bền vững của trao đổi thương mại song phương. Với quy mô kinh tế lớn và thế mạnh về khoa học - công nghệ hiện đại của Đức cùng sự phát triển ổn định, năng động và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam, hai nước đang có môi trường, điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác thương mại - đầu tư. Hai nhà lãnh đạo nhất trí phấn đấu đưa kim ngạch thương mại lên 20 tỷ USD và đầu tư của Đức tại Việt Nam lên 5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Chủ tịch nước cảm ơn Chính phủ Đức tiếp tục ưu tiên dành khoản viện trợ phát triển 220 triệu USD cho Việt Nam giai đoạn 2015 - 2017, tập trung vào ba lĩnh vực ưu tiên là năng lượng, môi trường và đào tạo nghề.

Chiều 26/11 tại thành phố Frankfurt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Đức; tiếp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Đức. Tối 26/11, Chủ tịch nước rời Frankfurt về Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Angela Merkel vui mừng trước sự tiến triển tốt đẹp của dự án Ngôi nhà Đức tại TPHCM. Hai bên nhất trí sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực hai nước có thế mạnh và nhu cầu, như công nghiệp chế tạo, kỹ thuật điện - điện tử, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, hàng tiêu dùng, hàng nông thủy sản… Thủ tướng Angela Merkel nói rằng, Đức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Đức. 

Đánh giá cao sự hội nhập thành công của cộng đồng hơn 125.000 người Việt tại Đức, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển và sự thịnh vượng của nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel cam kết, Chính phủ Đức sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm ăn ổn định.

Ngày 25/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các quan chức cấp cao của Đức và Việt Nam chứng kiến lễ ký 6 văn kiện hợp tác, bao gồm: Hiệp định cho phép thân nhân thành viên cơ quan đại diện ngoại giao được làm việc có thu nhập; Hiệp định cấp chính phủ về hợp tác khoa học và công nghệ; Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định vận tải hàng không năm 1994; Bản ghi nhớ chung về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Đức, Văn phòng đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Đức tại Việt Nam về Đối thoại thường xuyên; Hợp đồng dịch vụ kỹ thuật giữa VietJet với Tập đoàn Lufthansa về động cơ máy bay A320.

Thúc đẩy hợp tác với bang Hessen

Trưa 26/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân rời Berlin tới thăm bang Hessen. Chủ tịch nước đã có cuộc gặp với Thủ hiến bang Hessen Volker Bouffier. Thủ hiến bang Hessen giới thiệu thế mạnh của bang trong một số lĩnh vực mà bang muốn hợp tác với Việt Nam, như giáo dục, đào tạo, công nghiệp hóa mỹ phẩm, cơ khí… Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội bang Hessen Norbert Kartmann. 

MỚI - NÓNG