Chất vấn không phải là tâm sự

Chất vấn không phải là tâm sự
TP - Hôm nay, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài hai ngày rưỡi. Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của các đại biểu dân cử với cử tri.

> Bốn bộ trưởng trả lời về đất đai, quản lý tập đoàn...
> Đại biểu Quốc hội mong chờ gì ở phiên chất vấn?

Qua chất vấn sẽ xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành pháp, mà chế độ trách nhiệm ở đây trước hết là trách nhiệm chính trị.

TS Nguyễn Danh (đại biểu Quốc hội khóa XII) cho rằng, trách nhiệm thì có nhiều loại và được xác định thông qua những cách thức và thủ tục khác nhau.

Trong đó, trách nhiệm pháp lý bao gồm trách nhiệm dân sự, trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, chất vấn, là hình thức giám sát của Quốc hội, không nhằm xác định bất cứ trách nhiệm nào như đã nêu ở trên, mà được sinh ra để làm rõ trách nhiệm chính trị.

Chia sẻ tại hội thảo Kinh nghiệm chất vấn cho cơ quan dân cử, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã nói: “Mục tiêu chính của chất vấn là để xử lý trách nhiệm người đứng đầu, từ đó phải đưa ra các kiến nghị giải pháp chứ không phải hỏi thông tin đơn thuần hay chỉ để tâm sự”.

Có thể khẳng định, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng dân chủ, công khai, hiệu quả hơn.

Việc chất vấn theo nhóm vấn đề đã tạo điều kiện cho đại biểu và “tư lệnh” ngành có thêm cơ hội tranh luận, đi đến cùng của vấn đề.

Với phương thức phát thanh, truyền hình trực tiếp, qua nội dung chất vấn, đông đảo cử tri sẽ biết được năng lực và trình độ của đại biểu Quốc hội.

Qua trả lời chất vấn, cử tri có thể thẩm định được năng lực, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ.

Hy vọng rằng, phiên chất vấn tại kỳ họp này sẽ tiếp tục giữ được “lửa”. Mỗi câu hỏi tại nghị trường phải là những vấn đề liên quan lợi ích của đa số cử tri, được đông đảo nhân dân quan tâm, những vấn đề mà dư luận xã hội đang bức xúc và cần có biện pháp tháo gỡ.

Tại kỳ họp này là những bức xúc, khiếu kiện liên quan đền bù, thu hồi đất; hiệu quả đầu tư công, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phòng chống tham nhũng... Những câu trả lời cần đi thẳng vào vấn đề với tâm thế sẵn sàng tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề, sẵn sàng nhận trách nhiệm.

Bởi có làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhận thấy trách nhiệm thì những hạn chế, yếu kém mới được khắc phục trong thời gian sớm nhất. Khi đó, hiệu quả chất vấn sẽ rõ ràng hơn, hoạt động giám sát của Quốc hội thực chất hơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG