Mới đây, các chuyên gia Nhật Bản công bố kết quả thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor để xử lý phân hủy bùn hữu cơ sông Tô Lịch thành khí CO2 và nước H2O tại bãi bùn nổi trên sông Tô Lịch (đoạn gần đường Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy) rộng khoảng 70 m2, được quây kín tôn từ ngày 17/6.
Theo kết quả, sau 2 tuần thí điểm, độ dày lớp bùn trong khu quây sắt giảm 38-48 cm, hàm lượng oxy hòa tan trong nước (DO) tăng mạnh và đạt 6.67 mg/l (đạt tiêu chuẩn cột A1 - quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng nước mặt).
Tại điểm cách 30m tính từ mép tôn quây phía trên đầu cầu Hoàng Quốc Việt, bên trong Khu trình diễn xử lý bùn, hướng phía ngoài sát tôn quây độ dày bùn giảm từ 73 cm xuống còn 35 cm (giảm 38 cm/sau hơn 2 tuần xử lý).
Tại điểm cách 25m tính từ mép tôn quây phía trên đầu cầu Hoàng Quốc Việt, bên trong Khu trình diễn xử lý bùn, hướng phía ngoài sát tôn quây): Độ dày bùn giảm từ 68cm xuống còn 20cm (giảm 48cm/sau hơn 2 tuần xử lý).
Nước trong khu quây trong hơn, có thể nhìn thấy đáy bùn.
Bằng cảm quan, cũng có thể thấy rõ được độ trong của nước, có thể nhìn thấy tận đáy bùn đang bị phân hủy.
Dưới tác động của nguyên lý công nghệ Nano-Bioreactor, bùn hữu cơ màu đen đã bị phân hủy rõ rệt.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết, đây là công nghệ kết hợp giữa công nghệ sinh học và công nghệ nano. Công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên nên rất thân thiện với môi trường (điều mà các phương pháp hóa học và vật lý không có được). Công nghệ này không chỉ có khả năng xử lý làm sạch chất lượng nước mà còn có tác dụng phân giải các chất gây ô nhiễm, bùn ở tầng đáy, hiệu quả bền vững chu kỳ trong 25 năm không cần tác động xử lý gì thêm.
Trước đó, sáng ngày 17/6, các chuyên gia Nhật Bản cho quây rào sắt khoảng 70m2 sông Tô Lịch, đoạn gần nút giao Hoàng Quốc Việt, để xử lý bùn.
Nhiều người dân sống xung quanh khu vực này ghi nhận về sự thay đổi của sông Tô Lịch khi đã bớt mùi, nước tuy đen nhưng đã trong hơn tuy nhiên vẫn có sự hoài nghi về độ bền lâu của dự án này.
Việc làm sạch sông Tô Lịch được nhiều sự quan tâm của người dân Thủ đô mong muốn có một con sông xanh, sạch, đẹp chảy giữa trung tâm Thành phố.