Liên quan đến thành phần acid benzoic là lý do dẫn đến việc thu hồi lô hàng tương ớt Chin-su tại Nhật Bản, lãnh đạo phòng Giám sát ngộ độc - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết acid benzoic là chất có trong danh mục phụ gia bảo quản của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế. Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên. Tuy nhiên, việc sử dụng chất này được quy định về hàm lượng khi đưa vào sản phẩm.
“Trong trường hợp hàm lượng cao hơn ngưỡng cho phép, acid benzoic có thể gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... cho người sử dụng. Trường hợp sử dụng chất này với hàm lượng lớn có thể gây ngộ độc, nhưng rất hiếm gặp”- chuyên gia này nói.
Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định liên quan đến phụ gia trong thực phẩm, hiện nay có 186 nước dùng theo tiêu chuẩn chung của Codex, trong đó có Việt Nam.
"Tiêu chuẩn chung là thế nhưng các thành viên của Codex có nước lại cho phép và có nước lại tuyệt đối cấm" - lãnh đạo Cục an toàn thực phẩm cho biết và khẳng định sẽ xác minh vụ việc.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết benzoic là axit nằm trong nhóm phụ gia thực phẩm, có tác dụng chống lại vi sinh vật, đặc biệt là nấm mốc.
Axit benzoic tác dụng theo cơ chế trực tiếp. Khi các phân tử axit benzoic khuếch tán vào bên trong tế bào vi sinh vật, nó sẽ tác động lên một số enzyme, gây hạn chế sự trao đổi chất, làm ức chế quá trình hô hấp của tế bào, ức chế quá trình oxy hóa glucose và pyruvate.
Đồng thời, nó làm tăng nhu cầu oxy trong suốt quá trình oxy hóa glucose nên có tác dụng ngăn cản sự phân đôi của vi khuẩn, ức chế sự phát triển của nấm men và nấm mốc gây hư hỏng thực phẩm. Khả năng chống nấm mốc của axit benzoic cao hơn đối với nấm men và vi khuẩn.
Ngoài tương ớt, axit benzoic còn được dùng trong các thực phẩm khác như sữa lên men, quả ngâm giấm, hoa quả ngâm đường, các loại sản phẩm nước trái cây, rau thanh trùng, bánh kẹo.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm của Liên Hợp Quốc (Ủy ban Codex) có cho phép sử dụng chất này để bảo quản thực phẩm với hàm lượng 0,1% trong sản phẩm.
Ở Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phụ gia này với nồng độ tối đa 0,1%, tức 1 g/1 lít, 1 g/1 kg.
Đối với con người, khi vào cơ thể, nó tác dụng với glucocol chuyển thành acid purivic không độc, thải ra ngoài.
Liều lượng gây độc ở người là 6 mg/kg thể trọng. Nếu ăn nhiều axit benzoic, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng vì glucocol dùng để tổng hợp protein sẽ bị mất do tác dụng với axit benzoic để giải độc.
Ngoài ra, axit benzoic có thể tác động hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương, gây kích ứng mắt.
PGS Thịnh cho hay hiện nay, người ta quan tâm hàm lượng, nồng độ của chất phụ gia mà chưa chú ý tới lượng ăn vào. Ví dụ, ở ngưỡng 0,1% axit benzoic có trong thực phẩm là an toàn, nhưng chúng sẽ không còn an toàn nếu lượng ăn vào quá nhiều, vượt hàm lượng cho phép.
“Tuy nhiên, với tương ớt, người ta chỉ ăn như gia vị, không ăn quá nhiều nên không đáng lo ngại. Theo chuẩn quy định, khi ăn một lít tương ớt mới nạp vào người 1 g axit benzoic, nhưng không ai ăn nhiều đến như vậy”, ông Thịnh nói.
Cũng theo chuyên gia này, mặc dù quốc tế, trong đó có Việt Nam, cho phép sử dụng axit benzoic trong thực phẩm nhưng Nhật Bản lại không.
Theo thông tin đưa trên trang tin Nhật Bản vaaju.com, "Nhật thu hồi hơn 18 nghìn chai tương ớt Chinsu có chứa chất cấm", trang này đưa tin theo thông tin từ trang web của thành phố Osaka (www.city.osaka.lg.jp). Theo đó, các chai tương ớt Chin- su nhập khẩu từ công ty Masan bị thu hồi do sử dụng chất phụ gia thường không được sử dụng ở Nhật Bản (acid benzoic, acid sorbic....), vi phạm điều khoản 11.2 luật an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản.