Chất cấm trị cương dương ‘ẩn mình’ trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe

0:00 / 0:00
0:00
Chất cấm trị cương dương ‘ẩn mình’ trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe
TPO - Qua thanh kiểm tra giám sát và lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có chứa chất cấm sidenafil và tadelafil trị rối loạn cương dương.

Sáng 19/3, tại Hội nghị góp ý dự thảo quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK), PGS- TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết TPBVSK góp phần không nhỏ vào việc chăm sóc sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn xuất hiện không ít tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh bất chấp quy định của pháp luật. “Nhiều doanh nghiệp sử dụng các chất chỉ được làm thuốc, phải được kê toa của bác sĩ vào trong TPBVSK gây nguy hại cho người dùng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người sử dụng”- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong nói.

Chất cấm trị cương dương ‘ẩn mình’ trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe ảnh 1 Sở Y tế TPHCM trong một lần kiểm tra nhà thuốc phát hiện thực phẩm chức năng không nguồn gốc- ảnh Lê Nguyễn

Người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm cho biết, qua công tác thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm đã phát hiện nhiều TPBVSK chứa chất cấm sử dụng trong thuốc trị cường dương như sidenafil và tadelafil; chất tăng chuyển hoá mỡ, chất kích thích ăn ngon cyprohetadine, chất tạo nạc salbutamol; các chất corticoid trong điều trị cơ xương khớp...

Trước đó, Cục An toàn thực phẩm phát hiện sản phẩm thực phẩm chức năng Avena plus chứa chất sildenafil, một loại tân dược bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Đây là sản phẩm của Công ty Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu Việt Nam Canoves ở Hà Nội.

Đại diện Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM cho biết, không chỉ chất cấm sildenafil được đưa vào trong thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương, nhiều thực phẩm được phát hiện có chứa hoạt chất verdenafil, có tác dụng tương tự sildenafil, nhưng ít được cơ quan quản lý để ý. Chất này cũng có thể giúp cải thiện tình trạng rối loạn cương dương, gây nguy hại đến người sử dụng, nhất là người có tiền sử bệnh tim mạch nhưng ít được phát hiện. 

Thạc sĩ Phạm Văn Hinh- Trưởng phòng Quản lý Sản phẩm thực phẩm- Cục An toàn thực phẩm, cho biết dù Điểu 317 Luật Hình sự quy định sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, bảo quản hoặc cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Tuy nhiên, theo ông Hinh Luật hình sự và các văn bản của pháp luật hiện nay chưa quy định cụ thể chất cấm, hoá chất cấm sử dụng trong thực phẩm nói chung hoặc TPBVSK nói riêng là những chất nào do chưa có danh mục cụ thể.

Chất cấm trị cương dương ‘ẩn mình’ trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe ảnh 2 Rất nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe dùng chất cấm nhưng cơ quan chức năng chưa có chế tài xử lý hình sự- ảnh L.N

“Từ kẽ hở, khoảng trống của pháp luật này, nhiều tổ chức cá nhân đã lợi dụng để đung các chất cấm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm”- ông Hinh nêu.

Theo PGS- TS Nguyễn Thanh Phong do chưa được xử lý một cách thích đáng, đúng người đúng tội mà chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm về hành chính, không đủ tính răn đe nên việc sử dụng chất cấm trong TPBVSK vẫn diễn ra thường xuyên. “Để bảo vệ sức khoẻ người dân, đảm bảo công bằng quyền lợi giữa các doanh nghiệp và có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự các trường hợp vi phạm nên cần phải có cụ thể danh mục chất cấm”- ông Phong nói và cho biết, tới đây Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục chất cấm sử dụng trong kinh doanh TPBVSK. Theo đó, danh mục này sẽ có 55 chất cấm cụ thể sẽ được thông qua sau khi Bộ Y tế lấy ý kiến cụ thể các Ban quản lý, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh TPBVSK.

MỚI - NÓNG