Chất cấm chăn nuôi: Kiểm tra, tiêu huỷ gia súc ngay tại lò mổ

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT
TPO - Sau cam kết kiểm soát thực phẩm bẩn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian tới, sẽ tập trung kiểm tra, xử lý tại các trang trại và lò mổ.

Tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thời gian qua như thế nào thưa ông?

Đến thời điểm này, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã không sử dụng chất cấm nữa. Chất cấm sử dụng hiện nay còn chủ yếu ở trang trại, thông qua thương lái và các kênh tiếp thị khác. Lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tập trung vào các trang trại và lò mổ. Theo báo cáo của Cục Thú y (đơn vị được giao lấy mẫu ở các lò mổ, trang trại), trong tháng 1 lấy 1.000 mẫu, phát hiện 98 mẫu dương tính với Salbutamol, chiếm 9,8%. Sang tháng 2, tỷ lệ này là 1,46%. Tháng 3 lấy 576 mẫu trong đó có 3 mẫu dương tính, chiếm 0,46%. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng ra quân quyết liệt, vi phạm giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, đó chỉ là số liệu, thực tế chất cấm vẫn tồn tại, tiềm ẩn dưới nhiều hình thức.

Giải pháp nào xử lý trang trại và lò mổ?

Chúng tôi đang thực hiện quyết liệt hai biện pháp: Chống và xây. Chống bằng cách khống chế nguồn nhập salbutamol, kiểm soát nhà máy sản xuất, các trang trại. Xây bằng cách tăng cường tuyên truyền để dân biết, dân làm. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phải tạo đầu ra cho nông sản sạch của người nông dân. Không phải chỉ có thanh tra Bộ, Thanh tra Sở NN, các tỉnh phải vào cuộc. Như mới đây, tỉnh Thanh Hoá vào cuộc kiểm soát chất cấm rất quyết liệt.

Cục Quản lý Dược cho biết đã cấp phép nhập khẩu hơn 9 tấn Sabutamol. Trong đó, sử dụng 3 tấn, còn lại 6 tấn hiện nay đã kiểm tra được hay chưa, thưa ông?

Thanh tra Bộ NN&PTNT cùng C49 (Bộ Công an), Cục Dược (Bộ Y tế) đã xác định, làm rõ nguồn nhập khẩu, tồn kho, sử dụng và nguồn bán cho các tổ chức cá nhân. Số liệu nói 6 tấn đang trôi nổi trên thị trường là chính xác. Giờ chúng tôi chưa xác định được bao nhiêu tấn sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, bao nhiêu tấn dùng cho mục đích khác. Hầu hết các vụ phát hiện được đều xử phạt hành chính, không hình sự được do chưa để lại hậu quả.

Theo ông có thể kiểm soát được chất cấm không nếu như việc nhập khẩu tréo ngoe như hiện nay, một bên Bộ Y tế cứ nhập vào, còn Bộ Nông nghiệp lại cấm sử dụng?

Sau đợt cao điểm về chất cấm vừa qua, C49 (Bộ Công an), Cục Dược (Bộ Y tế), Cục Thú y, Cục Chăn nuôi đã cùng nhau ký cam kết dừng việc nhập khẩu Salbutamol và đưa những chất cấm (đối với ngành nông nghiệp) vào kiểm soát đặc biệt. Câu chuyện nhập khẩu Salbutamol về kinh doanh không đúng mục đích sẽ không còn nữa.

Sắp tới sẽ có Nghị quyết về ATTP, trong đó nêu rõ trách nhiệm của các Bộ có liên quan, đặc biệt là của người đứng đầu. Không phải chỉ chất cấm trong chăn nuôi mà nhiều chất khác cũng sẽ được kiềm chế. Tất nhiên, câu chuyện về ATTP không phải là ngày hôm nay, ngày mai. Phải giải quyết từng bước một, với giải pháp đồng bộ như vậy, nhiều chất cấm sẽ được đẩy lùi. Vừa qua, Bộ trưởng đã có buổi họp quyết liệt, làm dứt điểm 4 trọng tâm lớn: Chất cấm, kháng sinh trong bảo vệ thực vật, chăn nuôi; thuốc giả kém chất lượng, nhập lậu; phân bón hữu cơ và phân bón khác.

Bộ luật sửa đổi có quy trách nhiệm, xử lý đối với các doanh nghiệp nhập khẩu chất cấm không sử dụng đúng mục đích, thưa ông?

Theo quy định nếu các doanh nghiệp nhập về sử dụng không đúng mục đích, hoàn toàn có thể xử lý. Ví dụ doanh nghiệp nhập Salbutamol về để sản xuất thuốc, thì chỉ được sản xuất thuốc. Nếu bán cho doanh nghiệp không có chức năng sản xuất thuốc, sẽ bị xử lý về hành vi vận chuyển buôn bán trái phép chất cấm.

Thưa ông, Thanh tra Bộ NN&PTNT sẽ làm gì để kiểm soát chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi thời gian tới?

Trong tháng 4 này, Thanh tra Bộ sẽ có 2 đoàn thanh kiểm tra ở phía Nam và ở phía Bắc. Theo Nghị Định xử lý vi phạm hành chính, khi bắt được lợn ở cơ sở giết mổ thì Thanh tra Bộ được phép tiêu huỷ ngay. Vì vậy, chúng tôi sẽ kiên quyết tiêu huỷ bất cứ trường hợp nào vi phạm. Đối với các Sở NN&PTNT, Thanh tra Bộ yêu cầu nếu phát hiện phải tiêu huỷ ngay. Nếu có khó khăn trong tiêu huỷ lợn sử dụng chất cấm do lo lắng về mặt pháp lý, hay lý do nào đó, có thể gọi trực tiếp lên đường dây nóng của Bộ Nông nghiệp. Chúng tôi sẽ xử lý!

Bên cạnh đó, các Bộ đã tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 19 và Bộ Luật Hình sự, qua đó đưa hành vi sử dụng và buôn bán chất cấm vào luật hình sự. Sau ngày 1/7, mức phạt từ lên đến 15 năm, thậm chí nghiêm trọng có thể chung thân. Mức phạt tiền trước đây là 200 triệu giờ lên đến 3 tỷ đồng. Đây là mức phạt rất nặng, có tính răn đe mạnh đối với các đối tượng sử dụng chất cấm.

Thanh tra Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, mọi thông tin tố giác vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, người dân có thể gọi điện tới hotline: 08042526 hoặc 0917808113; địa chỉ hộp thư điện tử: thongtinvipham@mard.gov.vn

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.