Chặn công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường

Công nghệ lạc hậu vừa gây thất thoát, lãng phí tài sản, vừa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Như Ý.
Công nghệ lạc hậu vừa gây thất thoát, lãng phí tài sản, vừa gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Như Ý.
TP - Sáng 2/6, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ, có giải pháp ứng phó kịp thời, ngăn chặn chuyển giao những công nghệ lạc hậu từ nước ngoài vào Việt Nam, vừa gây thất thoát, lãng phí tài sản, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Có công nghệ lạc hậu 2- 3 thế hệ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) Phan Xuân Dũng, hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng, nhưng nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.

“Chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2- 3 thế hệ, ít đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật”, ông Dũng nói, đồng thời cho rằng, cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Ông Phan Xuân Dũng cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quy định hạn chế chuyển giao công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị cũ, hiệu suất năng lượng thấp. Đồng thời, bổ sung quy định cấm việc chuyển giao đối với công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng ở các quốc gia có trình độ phát triển hơn Việt Nam và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cho rằng dự luật chưa thực sự là những tiêu chuẩn mạnh mẽ đủ sức ngăn chặn những công nghệ lạc hậu, lỗi thời vào Việt Nam. “Thực tế chúng ta thấy có những doanh nghiệp bị gài mua những công nghệ lạc hậu, lỗi thời, thiếu đồng bộ, hay những doanh nghiệp biết nhưng cố tình. Thực tế báo chí cũng phản ánh, cố tình mua giá rẻ nhưng trên chứng từ giá rất cao nhằm trục lợi ngân sách nhà nước…”, bà Dao dẫn chứng.

Để tránh tình trạng Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ, bà Dao đề nghị có giải pháp ngăn chặn kịp thời việc chuyển giao những công nghệ lạc hậu, gây thất thoát, lãng phí tài sản của nhà nước và nhân dân. “Chủ trương giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta phải tăng cường quản lý nhà nước và làm sao tăng cường giám sát của nhà nước, của nhân dân trong việc ngăn chặn kịp thời việc chuyển giao công nghệ lạc hậu, lỗi thời vào đất nước”, bà Dao nói.

Đánh giá tác động của công nghệ đến môi trường

ĐB K`Nhiễu (Lâm Đồng) lưu ý những bài học đắt giá về việc đầu tư những công nghệ lạc hậu, hậu quả là trở thành bãi thải công nghệ. “Về việc đầu tư những công nghệ lạc hậu, những dự án đầu tư gây sự cố môi trường đã xảy ra không cho phép chúng ta dễ dãi trong giai đoạn phát triển của đất nước hiện nay”, ĐB K`Nhiễu nhấn mạnh và cho rằng cần xem xét quy định các hồ sơ phải đánh giá đầy đủ tác động ảnh hưởng của công nghệ đến môi trường.

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) đề nghị bổ sung khái niệm công nghệ lạc hậu vào Điều 3 của dự thảo luật vì từ trước đến nay chúng ta chưa luật hóa thế nào là công nghệ lạc hậu nên nhiều cá nhân, tổ chức bị vướng khi thực hiện việc chuyển giao công nghệ, gây ảnh hưởng không nhỏ cho chính cá nhân và tổ chức có liên quan, gây thiệt hại cho nền kinh tế. “Nếu không có quy định rõ ràng, nhiều kết quả không được chuyển giao, nhà khoa học không có thu nhập, doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu còn dự án bị đắp chiếu, đề tài bị bỏ ngăn kéo”, ĐB Lan cảnh báo.

Giải trình về những nội dung trên, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho biết sẽ chỉnh lý những vấn đề liên quan đến thu hút chuyển giao công nghệ, ưu tiên công nghệ thích ứng môi trường. Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ QH sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp thu hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình QH thông qua.

MỚI - NÓNG