Chặn cơn lốc phá nhà cổ

Anh Lã Hữu Nghiêm giới thiệu những nét chạm khắc tại ngôi nhà cổ của gia đình ở Cốc Thôn
Anh Lã Hữu Nghiêm giới thiệu những nét chạm khắc tại ngôi nhà cổ của gia đình ở Cốc Thôn
TP - Tiền Phong Chủ Nhật những số ra gần đây đăng loạt bài về nhiều ngôi nhà cổ ở Cự Đà (Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) bị người dân phá đi để xây nhà tầng, trong khi tại Cốc Thôn (Cam Thượng, Ba Vì, Hà Nội) vẫn giữ được những ngôi nhà cổ hàng trăm năm trước cơn lốc đô thị hoá. Trước thực tế trên, PV Tiền Phong Chủ Nhật đã trao đổi với PGS.TS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học Việt Nam) xung quanh việc làm thế nào để lưu giữ được những ngôi nhà cổ.

> Cốc Thôn giữ nhà cổ

Anh Lã Hữu Nghiêm giới thiệu những nét chạm khắc tại ngôi nhà cổ của gia đình ở Cốc Thôn
Anh Lã Hữu Nghiêm giới thiệu những nét chạm khắc tại ngôi nhà cổ của gia đình ở Cốc Thôn.  Ảnh: Kiến Nghĩa.

PGS.TS Trịnh Sinh nói: Việc nhiều nhà cổ ở Cự Đà bị phá là bài học đau xót trong việc gìn giữ những vốn cổ có giá trị mà đời trước đã để lại. Bao năm nay, có nhiều nhà nghiên cứu trong nước, rồi các đoàn khảo cứu nước ngoài (như Pháp, Nhật Bản...) đều công nhận nhà cổ Cự Đà là vốn quý thực sự.

Rồi có người còn cảnh báo hệ thống nhà cổ Cự Đà xung quanh có nhiều rơm rạ nên dễ cháy lắm nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời. Thế rồi đến lúc nhà cổ Cự Đà cháy thực thì mọi người cứ ngồi đấy thôi chứ có làm gì. Nước ta còn nhiều nhà cổ, làng cổ cần phải gìn giữ. Nhưng nếu cứ thiếu quan tâm thế này thì đó là nguy cơ thực sự.

Trách nhiệm của nhà cổ bị phá thuộc về ai, thưa ông?

Điều này khó có thể đổ lỗi hoàn toàn cho người dân. Dân có lỗi một, thì các cơ quan có trách nhiệm lỗi mười. Đơn cử như ở Cự Đà, người dân cũng biết nhà cổ của họ quí thật nên đã cố gắng giữ trong nhiều năm. Nhưng giữ mãi mà chẳng có cơ chế gì cả, trong khi dần dà nơi ở của họ trở nên chật chội, rồi lại có tiền do được đền bù thu hồi đất nông nghiệp nên việc họ phá nhà cổ xây nhà tầng là lẽ đương nhiên.

Thế nên trách nhiệm trong việc này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Khi thấy nhà cổ có giá trị, họ phải tìm đến dân để có cách bảo tồn, chứ để tự dân tự bảo tồn mà không có cơ chế gì thì khó có thể bảo tồn mãi được.

Nhân đây tôi muốn nói rộng ra đôi chút về một nơi được rất nhiều người quan tâm là phố cổ Hà Nội. Cách đây khoảng hai chục năm tôi thấy nơi đây vẫn còn rất nhiều ngôi nhà cổ, nhưng đến nay số lượng này đã mai một đi khá nhiều.

Cho dù trong hai chục năm qua, chúng ta vẫn nói về phố cổ Hà Nội không ít, vậy vì sao nhiều ngôi nhà cổ vẫn mất đi? Thực tế đã chỉ ra rằng nếu chỉ nặng về hô hào, động viên mà thiếu đi giải pháp hữu hiệu thì khó lòng giữ được những ngôi nhà cổ.

Hàng loạt nhà tầng được xây dựng tại làng Cự Đà. Ảnh: Kiến Nghĩa
Hàng loạt nhà tầng được xây dựng tại làng Cự Đà. Ảnh: Kiến Nghĩa.
 

Tại Cốc Thôn, trong nhiều năm qua hầu hết số lượng nhà cổ có tuổi đời hơn một trăm năm trở lên vẫn còn giữ được. Tuy vậy, nhiều chủ nhân của những ngôi nhà cổ cũng tâm sự rằng đời họ, thậm chí con họ vẫn có thể giữ được, nhưng sau nữa thì chưa chắc. Và trong nhiều năm nay họ vẫn âm thầm giữ những nếp nhà cổ mà chưa thấy cơ quan quản lý nhà nước nào tìm đến, cho dù Cốc Thôn cách làng cổ Đường Lâm chỉ vài trăm mét. PGS.TS nghĩ gì về việc này?

Tôi xin nhắc lại, cấp có trách nhiệm phải phát hiện những gì là cổ để có cách giữ gìn nó chứ không phải là dân. Vấn đề là trâu phải đi tìm cọc chứ không phải cọc đi tìm trâu. Người dân không thể tự đi xin xác nhận nhà mình là cổ, bởi họ không có hiểu biết đầy đủ, không có nguồn lực, thậm chí không đủ sự kiên nhẫn để làm việc đó...

Nhiều ngôi nhà cổ ở nước ta đến nay người dân vẫn giữ lại được là bởi nhiều lý do, trong đó không phủ nhận được là bởi yếu tố truyền thống, văn hoá... Nhưng về lâu dài, nếu không có cơ chế cụ thể hơn thì khó lòng giữ mãi được.

Vậy theo ông, để giữ nhà cổ cần phải làm gì?

Muốn yêu, trước hết phải hiểu, chính vì thế việc tuyên truyền cho người dân về giá trị của từng ngôi nhà, từng di tích là việc làm tiên quyết để hướng tới bảo tồn. Đồng thời, vì nhà cổ thuộc về người dân nên muốn giữ ít nhiều phải phụ thuộc vào họ. Vậy nên phải có cơ chế để người dân có lợi trong việc giữ gìn nhà cổ, như cách một số nước đã làm.

Đơn cử như việc giữ nhà cổ tại thành phố Kurashiki (Nhật Bản), bản thân chủ nhân của những ngôi nhà này cũng có lợi ích trong đó. Mỗi khi có du khách đến tham quan, chủ nhân có khoản thu nhập từ việc bán rượu sakê, món ăn hoặc phòng nghỉ cho khách lưu lại.

Như thế người dân hiểu rằng chính vì nhà cổ đó mà du khách mới đến, dẫn đến họ càng quyết tâm giữ cái cổ lâu dài. Còn ngay cả những ngôi nhà cổ được xác định cần phải gìn giữ nhưng lại quản lý bằng cơ chế hành chính, mà không có lợi ích của người dân trong đó thì cũng khó mà giữ thật lâu bền.

PGS.TS từng nhận xét rằng, trong lúc một số cơ quan văn hoá đi xây dựng mô hình làng Việt ở đâu đó, thì trớ trêu thay, có những làng Việt còn nguyên đặc trưng như Cự Đà thì lại chưa được chú ý đúng mức. PGS.TS có thể nói rõ thêm về nhận định này?

Để duy trì những ngôi nhà cổ như Cự Đà chỉ cần bơm một lượng vữa bảo tồn vào những cây cột nhiều năm tuổi là có thể giữ được vài trăm năm nữa. Trong khi đó, để xây dựng một mô hình làng Việt mới cần rất nhiều tiền. Tuy nhiên, để giữ một cái cổ thật cần ít tiền với việc làm một cái giả cổ cần nhiều tiền hơn thì chưa chắc cái cổ thật hơn đã được lựa chọn. Có lẽ không quá khó để lý giải điều này nhưng nói ra lại không tiện...

Tuy nhiên, có điều cần nói thẳng ra là với những ngôi nhà cổ như Cự Đà bị phá đi, đến lúc nào đó con cháu sẽ nghĩ rằng có một thời chúng ta đã đối xử không phải với văn hoá. Bởi những nhà cổ tại Cự Đà có được xuất phát từ dòng chảy văn hoá, dòng chảy dân tộc thì bị phá đi, trong khi những công trình giả cổ đồ sộ lại được mọc lên.

Nhưng những đồ giả cổ to lớn đó đến lúc nào đấy mọi người sẽ ngộ ra rằng không thể sánh nổi với những thứ nhỏ bé, khiêm nhường hơn nhưng lại là thứ có giá trị thực sự mang bản sắc dân tộc của một thời, một thuở. Mà đã bị phá hủy một cách thô bạo thì chẳng bao giờ còn phục hồi được nữa.

Xin cảm ơn PGS.TS.

Kiến Nghĩa thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
Vì sao đường phố Cần Thơ ngập sâu?
TPO - Theo ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Cần Thơ -  hiện nay vẫn còn một số khu vực nội ô thành phố khi trời mưa 1-2 giờ sau nước mới rút, cho thấy do năng lực thoát nước của thành phố có vấn đề