Trước đó, Tiền Phong đã có bài “Nhiều DN không muốn chọn BHXH?” (ra ngày 8/8), phản ánh tình trạng cải cách hành chính của BHXH Việt Nam còn chậm, chưa đạt yêu cầu. Điều này khiến Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cũng phải thừa nhận: “Người thụ hưởng chính sách và DN kêu rất nhiều về thủ tục hành chính. Nếu có lựa chọn, doanh nghiệp không chọn BHXH”.
Theo bà Nguyễn Thị Minh, thời gian qua BHXH Việt Nam đã có nhiều cải cách hành chính nhằm giảm thời gian, chi phí cho người dân, DN. Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại một số địa phương (như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Bắc Ninh…), phản ánh của nhiều người dân, DN về công tác thực hiện chính sách BHXH còn nhiều tồn tại, bất cập. Đặc biệt với công tác tiếp nhận hồ sơ, thủ tục, chậm giải quyết chế độ chính sách…
“Nếu chậm giải quyết do lỗi của cơ quan BHXH, người đứng đầu cơ quan đó phải có hình thức nhận lỗi, xin lỗi, bồi thường người dân, DN theo quy định, nêu rõ lý do và khắc phục”.
Bà Nguyễn Thị Minh
Như tại BHXH TPHCM, phát sinh bất cập trong đổi, gộp, điều chỉnh sổ BHXH, làm thất lạc hồ sơ, thẻ BH y tế của người dân, DN khi gửi qua đường bưu điện. Thậm chí, cơ quan này còn để tồn đọng 500 hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau, thai sản của Cty May Nhà Bè. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh yêu cầu Giám đốc BHXH TPHCM kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, có giải pháp khắc phục triệt để.
Ngoài ra, tại BHXH cấp địa phương còn xảy ra tình trạng chậm giải quyết các yêu cầu của DN, người dân trong cấp sổ, giải quyết chế độ. Có nơi, thời điểm để tồn đọng hàng trăm hồ sơ quá hạn khiến DN, người dân phải đi lại nhiều lần. Thậm chí, nhiều địa phương quy định thêm thủ tục gây bức xúc cho DN, người dân.
Ngoài ra, việc bố trí cán bộ không phù hợp, trình độ chưa đáp ứng yêu cầu, tác phong cửa quyền, thiếu trách nhiệm; có biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn, sách nhiễu, thái độ trong giao tiếp với DN, người dân, thậm chí vô cảm. Việc áp dụng công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế.
Để giải quyết, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương kiểm tra, rà soát, khắc phục những bất cập trên. Chủ động trao đổi, phối hợp để giải quyết các vấn đề phát sinh, không đùn đẩy trách nhiệm sang người dân, DN.
Đối với các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam, nhiều vấn đề quản lý chưa được giải quyết triệt để, như chậm giải quyết thủ tục, chế độ cho người tham gia BHXH; chậm xây dựng, áp dụng, cập nhật, bổ sung các phần mềm nghiệp vụ bảo hiểm.
Ngoài ra, các đơn vị BHXH Việt Nam chưa thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình địa phương, thiếu phối hợp, chậm giải quyết vướng mắc và các đề xuất, kiến nghị của người dân.
Vì vậy, người đứng đầu BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị lập tức kiểm tra, chỉ đạo khắc phục. Nếu đơn vị nào không giải quyết vướng mắc của DN, người dân, tùy theo mức độ sẽ xử lý trách nhiệm…