> Siết quản lý, tăng hình phạt để giảm tắc giao thông
ATGT có của riêng nhà nào, cá nhân nào, địa phương nào đâu. Bình quân cứ đều đặn mỗi ngày hơn 30 người chết vì tai nạn giao thông. Nó được ví như thảm hoạ, quốc nạn. Mức độ trầm trọng đã tăng thành báo động.
Trong hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn: “Lâu nay, chúng ta đã đổi mới nhiều biện pháp, đưa ra nhiều chủ trương, bộ máy quản lý cũng đồ sộ nhưng sao vấn đề trật tự ATGT không có những đột phá. Phải chăng chúng ta đang làm theo kiểu đầu voi đuôi chuột, lúc làm lúc không, mỗi cá nhân chưa coi việc lập lại trật tự ATGT là nhiệm vụ của mình”.
Nói đâu xa, cũng là hạ tầng giao thông, bên đường bộ cứ làm đường bộ gặp đường sắt lại ngắt quãng tạo thành hiện tượng thắt nút cổ chai. Một tuyến đường đang thi công rùa bò cũng có thể thành tuyến đường tử thần khi mặt đường lồi lõm, cộng thêm mưa gió dầm dề gây mất an toàn.
Cái chết nào cũng đau thương, nhưng trong TNGT có những cái chết tức tưởi: Lái xe trên đường rẽ đột ngột quên xi-nhan va quệt, chết; đi bộ vào đường cao tốc, chết; vượt cố qua đường tàu bị húc, chết; uống rượu say đâm hàng loạt người chết; mặt đường xuống cấp, chết; vô tình rơi xuống cống, chết...
Từ năm 2003, Chỉ thị 22 của Ban Bí thư Trung ương đã quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm về ATGT trên địa bàn mình quản lý. Thế nhưng, có vị chủ tịch tỉnh nào bị cách chức hay tự xấu hổ mà từ chức vì địa phương có nhiều người chết vì TNGT. Ban ATGT ở các tỉnh chỉ lèo tèo vài người (có nơi chỉ một người) thường trực (đa số thêm một phòng nằm trong Sở GTVT).
Điều này, Bộ GTVT thừa nhận: “Nhận thức của các cấp, các ngành về công tác đảm bảo trật tự ATGT còn chưa đúng tầm, chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi thực tế”. Từ đây dẫn tới hàng loạt sự chưa: Chưa quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên liên tục; chưa huy động sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội... Điều này nếu vẫn còn tiếp diễn, thì “Tư lệnh” GTVT vẫn khác chi đơn thương độc mã giữa trận đồ.
Thống kê không mong đợi, 10 tháng đầu năm nay, lực lượng CSGT Đường bộ - Đường sắt xử lý hơn 5,7 triệu trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB), nộp kho bạc nhà nước gần 1.600 tỷ đồng (tăng gần 113 tỷ đồng so với cùng kỳ). Lực lượng CSGT đi làm nhiệm vụ còn được giao chỉ tiêu xử phạt. Đây là loại tiền tuy nhiều mà không vui. Lạ thay, không như vi phạm luật khác, phạm Luật GTĐB, đa số cười toe toét, xem như vận rủi.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lẽ đã không để Ủy ban ATGT đơn độc khi khẳng định huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, và mong muốn sau hội nghị sẽ có sự chuyển biến về chất lượng. Năm 2012 được chọn làm năm ATGT, Tư lệnh ngành hẳn sẽ rất bận rộn vì giao thông ngoài an toàn, còn vấn đề hạ tầng, vốn và chất lượng công trình...
Bên cạnh việc “trảm” tướng bất tài, nhiều động thái cho thấy vị Tư lệnh đã bắt đúng bệnh khi đưa ra giải pháp lâu dài: Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; quy định trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ giảm thiểu TNGT và chống ùn tắc giao thông... Phân định trách nhiệm rồi, khi TNGT xảy ra ở địa phương buông lỏng, ai sẽ “trảm” quan đầu tỉnh?