Chậm trễ khắc phục sai phạm ở chùa Đậu

0:00 / 0:00
0:00
Tam quan, gác chuông chùa Đậu vẫn chờ sửa lại màu sơn Ảnh: KỲ SƠN
Tam quan, gác chuông chùa Đậu vẫn chờ sửa lại màu sơn Ảnh: KỲ SƠN
TP - Vụ cấy thêm công trình mới ở di tích quốc gia chùa Đậu được làm rõ trong cuộc thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Xử phạt hành chính xong xuôi từ ba tháng trước, tới nay chính quyền địa phương chưa có giải pháp khắc phục hậu quả.

Trở lại di tích quốc gia chùa Đậu vào giữa tháng 7, thấy toàn bộ hạng mục, công trình thi công dang dở ở khu vực bãi đỗ xe trước đó tạm dừng. Phần công trình mới được “cấy” thêm vào quần thể chùa Đậu như cây cầu vắt ngang hồ, thủy đình Di Lặc vẫn chưa có bất cứ sự điều chỉnh nào.

Trước đó, Cục Di sản Văn hóa, Thanh tra Bộ VHTTDL, Sở VHTT Hà Nội phối hợp lập biên bản vi phạm hành chính đối với BQL di tích xã Nguyễn Trãi, xử phạt 20 triệu đồng đối với BQL di tích xã Nguyễn Trãi vì để xảy ra việc xây dựng một số công trình mới: Cổng liền kề Tả vu, Giảng đường, nhà khách trong khu vực bảo vệ II của di tích chùa Đậu mà không có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tại khu vực Tam quan, nhà Hữu mạc hiện không còn cảnh ngổn ngang vật liệu xây dựng, việc tu bổ gần như được hoàn thiện và chờ bàn giao. Tuy nhiên nước sơn sáng màu ở Tam quan, gác chuông vẫn còn nguyên. Trước đó tại cuộc làm việc của Thanh tra Bộ VHTTDL vào tháng 4, ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nhắc nhở BQL di tích xã Nguyễn Trãi và chính quyền địa phương cần trả lại màu sơn phù hợp với di tích.

Kết cấu nội công ngoại quốc của di tích quốc gia chùa Đậu vẫn được giữ nguyên vẹn, khu Tam Bảo cổ kính được trùng tu và bảo vệ khá tốt trước đó không ăn nhập với nước sơn sáng màu của Tam quan và mặt ngoài gác chuông.

“Trước đây tường bao quanh chùa chỉ cần quét xi măng, lâu dần sẽ có được lớp rêu phong cổ kính. Trong hồ sơ tu bổ Tam quan, gác chuông có nhắc tới việc sử dụng sơn màu ghi, tuy nhiên màu thực tế bị sáng không phù hợp cảm quan của bà con, chưa đúng với hồ sơ được duyệt. Muốn thay đổi màu sơn, đơn vị thi công, chính quyền địa phương phải lập hồ sơ xin ý kiến thẩm định của Bộ VHTTDL”, Đại đức Thích Quang Minh, quyền Trụ trì chùa Đậu giải thích.

Về phương án khắc phục hậu quả của các công trình sai phạm như cổng liền kề Tả vu, Giảng đường, nhà khách trong khu vực bảo vệ 2, Đại đức Thích Quang Minh thừa nhận nhà chùa đã sai khi xây dựng mà chưa có văn bản đồng ý, phương án tháo dỡ vẫn chờ chính quyền địa phương. Nhà sư trụ trì chùa Đậu nêu quan điểm, giảng đường là công trình phụ trợ cần thiết để đảm bảo cuộc sống của một ngôi chùa, vừa phục vụ du khách đến tham quan, vừa phục vụ nhu cầu hoằng pháp, tu tập.

“Nhà chùa nhận thức rõ công trình xây dựng chưa đúng quy định, sau này khi có phương án quy hoạch mặt bằng tổng thể sẽ tự nguyện tháo dỡ”, Đại đức Thích Quang Minh nói.

Chính quyền làm ngơ?

Sau ba tháng nhận “trát” phạt, UBND huyện Thường Tín, UBND xã Nguyễn Trãi vẫn giậm chân tại chỗ. Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng BQL Di tích Danh thắng Hà Nội cho biết, lãnh đạo huyện Thường Tín gửi văn bản xin khắc phục hậu quả. Tuy nhiên kể từ khi Thanh tra Bộ VHTTDL vào cuộc làm rõ sai phạm trong tu bổ, tôn tạo tại di tích chùa Đậu đến nay, BQL chưa nhận được kế hoạch cụ thể.

Liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Thường Tín, phóng viên được đẩy qua làm việc với Phòng Văn hóa Thông tin huyện. Đại diện Phòng VHTT huyện Thường Tín cho biết “đang trong quá trình xây dựng kế hoạch khắc phục”. Chính quyền xã Nguyễn Trãi, BQL xã Nguyễn Trãi đứng ra xây dựng kế hoạch “sửa sai” ở di tích quốc gia chùa Đậu.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương không đưa ra thời hạn cụ thể nào cho quá trình khắc phục sai phạm. Trụ trì chùa Đậu cũng chưa nhận được bất cứ văn bản nào từ chính quyền địa phương.

Sai phạm ở chùa Đậu không chỉ mới phát sinh gần đây mà còn dai dẳng kéo dài hàng chục năm nay. Các công trình quy mô lớn như tháp Quan âm, bảo tháp Mạn đà la, thủy đình Di Lặc…phát sinh từ nhiều năm nay, nhưng chính quyền địa phương không hề có ý kiến.

Các công trình này đều nằm trên phần đất do nhà chùa mua lại của người dân địa phương, tới nay chưa thể chuyển đổi từ đất ruộng sang đất thuộc sở hữu nhà chùa. Tất cả bắt nguồn từ sự thờ ơ, sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.

Đại đức Thích Quang Minh cho biết, chùa Đậu được công nhận di tích quốc gia năm 1964, tuy nhiên cho đến nay chính quyền địa phương không thể tìm ra hồ sơ gốc về đất đai của di tích.

“Không có hồ sơ về đất đai cho nên hiện nay chùa Đậu không hề có cắm mốc giới khoanh vùng khu vực bảo vệ 1, 2 của di tích theo Luật Di sản. Đây cũng là lí do khiến hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt của chùa Đậu bị đình lại vô thời hạn, mặc dù giá trị của ngôi chùa này hoàn toàn xứng đáng di tích quốc gia đặc biệt”, quyền trụ trì chùa Đậu nêu.

MỚI - NÓNG