Di tích quốc gia chùa Đậu bị xâm hại: Thanh tra Bộ làm rõ sai phạm

0:00 / 0:00
0:00
Thủy đình Di Lặc và lầu Quan Âm là hai trong số công trình mới được xây dựng tại di tích quốc gia chùa Đậu Ảnh: LỘC LIÊN
Thủy đình Di Lặc và lầu Quan Âm là hai trong số công trình mới được xây dựng tại di tích quốc gia chùa Đậu Ảnh: LỘC LIÊN
TP - Không thể ngồi yên chờ báo cáo từ huyện Thường Tín (Hà Nội) quanh vụ việc xâm hại di tích quốc gia chùa Đậu, đoàn thanh tra Bộ VHTTDL vào cuộc, bước đầu làm rõ sai phạm.

Tự ý xây mới

Nắm được phản ảnh trên phương tiện truyền thông, đoàn thanh tra do ông Trần Kim Hậu, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, làm trưởng đoàn xuống chùa Đậu. Thành viên trong đoàn còn có ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, đại diện Sở VHTT Hà Nội, BQL Di tích Danh thắng Hà Nội.

Di tích quốc gia chùa Đậu bị xâm hại: Thanh tra Bộ làm rõ sai phạm ảnh 1

Đoàn thanh tra của Bộ VHTTDL làm việc tại chùa Đậu - Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Về việc “cấy” thêm công trình quy mô tại di tích quốc gia chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín), báo Tiền Phong đã đăng tải thông tin trên số 103 ra ngày 13/4. Trong cuộc làm việc tại chùa Đậu vừa qua, đoàn thanh tra của Bộ ghi nhận một số hạng mục đang được tu bổ gồm Tam quan, gác chuông, hai cổng phụ, trụ biểu và đoạn tường phía trước, hữu vu. Các hạng mục xây mới được kiểm tra gồm cổng vào liền kề tả vu, giảng đường, nhà khách, lầu Quan Âm, thủy đình Di Lặc, hai cầu nối giữa thủy đình và lầu Quan Âm, bãi đỗ xe đường vào di tích.

Quá trình kiểm tra, làm việc với địa phương và trụ trì chùa Đậu, thanh tra Bộ chỉ ra: Nhà chùa tự ý xây dựng một số hạng mục mới trong khu vực bảo vệ di tích quốc gia chùa Đậu khi chưa có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Bộ VHTTDL theo quy định tại Nghị định 166/2018/NĐ-CP. Các hạng mục vi phạm bao gồm: Cổng vào liền kề tả vu, giảng đường, nhà khách. “Các công trình được xây dựng mới, nếu xét thấy có khả năng ảnh hưởng tới di tích chùa Đậu thì địa phương cần phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ VHTTDL theo quy định tại Điều 36 Luật Di sản văn hóa năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2009”, đại diện đoàn thanh tra nói.

Ông Thành nhấn mạnh, việc Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa chùa Đậu từ 1964 cho thấy di tích này có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật của ngôi chùa. Chính vì thế, Bộ thẩm định kỹ lưỡng dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đậu thông qua văn bản số 248/BVHTTDL-DSVH ngày 27/1/2014. Cụ thể, Bộ đồng ý thỏa thuận nội dung tu bổ Tam quan, gác chuông, tả vu, trụ biểu và tường rào phía trước.

Tuy nhiên, theo báo cáo từ các đơn vị, quá trình tu bổ tại di tích nảy sinh nhiều điều bất thường. Cụ thể, ngày 29/9/2019, được người dân phản ảnh về việc sư trụ trì chùa Đậu chuẩn bị xây dựng một số hạng mục trong khuôn viên di tích, UBND xã Nguyễn Trãi đã kiểm tra thực tế và hướng dẫn nhà chùa làm văn bản báo cáo BQL di tích xã. Ngày 12/10/2019, UBND xã lập biên bản đối với sư trụ trì về việc khởi công xây dựng một số hạng mục tại chùa Đậu. Ngày 14/10/2019, UBND huyện Thường Tín có văn bản số 1006/UBND-VHTT về việc xây dựng công trình không phép tại di tích chùa Đậu, gửi UBND xã Nguyễn Trãi và Đội thanh tra xây dựng huyện.

Buông lỏng quản lý

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội đề nghị UBND huyện Thường Tín rà soát di tích quốc gia chùa Đậu, gửi báo cáo trước 15/4. Chiều 16/4, lãnh đạo Sở cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo của huyện. Khi được hỏi, ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, không trả lời được rằng đã gửi báo cáo lên Sở hay chưa, bởi lãnh đạo huyện giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin huyện.

Kịch bản xâm phạm di tích ở chùa Đậu không khác là bao so với nhiều vụ xâm phạm di tích trước đó. Chính quyền địa phương luôn cho rằng, nhà chùa không hợp tác trong quá trình tu bổ, xây dựng.

Sự bất cập quản lý ở chùa Đậu còn thể hiện ở chỗ, chính quyền địa phương không có đủ hồ sơ quản lý di tích được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó phải kể tới biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích. Vì thế, mới có chuyện nhà chùa cho rằng nhà giảng đường (xây dựng mới không phép) được xây dựng trên đất ao, ruộng nên không vi phạm. Khi đối chiếu hồ sơ xếp hạng di tích năm 1964, hồ sơ địa chính xác lập năm 1993, đoàn kiểm tra khẳng định công trình mới này nằm trong vùng bảo vệ II của di tích.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trãi cho biết, chính quyền nhiều lần nhắc nhở sư trụ trì thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng nhà chùa vẫn tiếp tục xây dựng. Đại đức Thích Quang Minh, quyền trụ trì chùa Đậu cho rằng, nhà chùa xây dựng các công trình mới như lầu Quan Âm, thủy đình Di Lặc trên phần đất ruộng do nhà chùa mua lại và “không ảnh hưởng tới di tích gốc”. Tuy nhiên, khu vực xây dựng mới này thực sự làm ảnh hưởng tới cảnh quan di tích và theo lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa, vẫn phải có ý kiến thẩm định từ Bộ VHTTDL.

Di tích quốc gia đặc biệt

Di tích chùa Đậu có giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, kiến trúc, được xếp hạng từ năm 1964. Chùa Đậu nổi tiếng với hai pho tượng cổ toàn thân xá lợi của thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường. Chùa sở hữu hệ thống di vật, cấu kiện kiến trúc quý, vì thế năm 2005-2006, Bộ VHTTDL đầu tư dự án tổng thể khôi phục Tam bảo. “Chính quyền địa phương muốn đề nghị xếp hạng chùa Đậu là di tích quốc gia đặc biệt. Cục đã nhận được hồ sơ đề nghị”, ông Trần Đình Thành nói.

Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nêu, vì thiếu biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích nên chưa thể xác định được các công trình xây trên phần hồ, bãi xe nằm ở khu vực nào của di tích. Cơ quan chức năng của Bộ sẽ chỉ đạo Sở VHTT Hà Nội phối hợp chính quyền địa phương xác định rõ địa giới những công trình này, trên cơ sở đó, kết luận về mức độ vi phạm. Về trách nhiệm quản lý của địa phương, lãnh đạo Cục cho rằng không thể chối cãi được. “Thực tế kéo dài nhiều năm cho thấy cơ quan quản lý các cấp của địa phương chưa làm tốt trách nhiệm quản lý di tích”, ông Thành nói.

Từ sự việc này, đoàn thanh tra đồng thời đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội có văn bản chỉ đạo các sư trụ trì tuân thủ nghiêm Luật Di sản văn hóa trong việc tu bổ, tôn tạo các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng và di tích trong danh mục kiểm kê.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.