Mở đầu hướng dẫn chấm môn Văn THPT, văn bản của Bộ yêu cầu giám khảo “đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách đếm ý cho điểm”, “cần linh hoạt trong quá trình chấm, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức pháp luật”.
Trong hướng dẫn cụ thể, câu hỏi 3 của câu I (là câu hỏi có tính mở), thay vì “nêu hộ” một số ý mà học sinh có thể trả lời như mọi năm, năm nay Bộ GD&ĐT chỉ hướng dẫn: “Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần có thái độ nghiêm túc, thể hiện trách nhiệm công dân trước sự kiện trên”.
Đặc biệt với câu II (câu 7 điểm), hướng dẫn của Bộ không nêu chi tiết mà chỉ phác thảo cách cho điểm tổng quan: “Điểm 6 – 7: Phân tích khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba một cách thuyết phục, bày tỏ được suy nghĩ sâu sắc của bản thân về vấn đề con người cần được sống là chính mình. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc và sáng tạo; có thể còn vài sai sót về chính tả, dùng từ.
Điểm 4 – 5: Cơ bản phân tích được khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba, nêu được suy nghĩ của bản thân về vấn đề con người cần được sống là chính mình. Bố cục rõ ràng, lập luận tương đối chặt chẽ; còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 2 – 3: Chưa làm rõ được khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba, phần bày tỏ suy nghĩ của bản thân về vấn đề con người cần được sống là chính mình còn sơ sài; mắc nhiều lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 1: Chưa hiểu đề; sai lạc kiến thức; mắc rất nhiều lỗi về diễn đạt.
Điểm 0: Không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề”.