Những “chiêu” tiêu cực trong chấm thi đại học, cao đẳng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Tiêu cực trong việc chấm thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) biểu hiện ngấm ngầm nhưng đa dạng, có thể nêu ra một số biểu hiện.

Trong các kỳ thi tuyển sinh đại học ĐH - CĐ, Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan báo chí và dư luận xã hội mới chỉ quan tâm tới việc chống gian lận của thí sinh (TS) trong các phòng thi. Song, một vấn đề hết sức nhạy cảm, quan trọng, rất đáng quan tâm theo dõi và xử lý là việc chống tiêu cực trong việc chấm thi tuyển sinh ĐH-CĐ thì hầu như chưa mấy ai chú ý tới.

Tin, bài, ảnh, video cộng tác của bạn đọc, xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email: online@tienphong.vn

Chấm thi tuyển sinh ĐH-CĐ là công việc rất hệ trọng và nhạy cảm, có tính chuyên môn - khoa học nghiêm túc, rất cần đội ngũ giám khảo có năng lực chuyên môn tốt và tinh thần trách nhiệm cao, để chấm bài một cách chính xác, với tinh thần vô tư, khách quan, đảm bảo công bằng cho các TS.

Giám khảo còn phải có khả năng phát hiện, khẳng định những bài thi độc đáo, đặc sắc, có lời giải hoặc biện luận thông minh, sắc sảo, để cho điểm “thưởng”!

Tuy nhiên, nhiều hội đồng chấm thi tuyển sinh ĐH-CĐ còn bộc lộ những thiếu sót, sơ hở trong việc tổ chức và quản lý chấm thi; do đó đã xảy ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong khâu chấm thi, gây thiệt thòi cho nhiều TS, hoặc tạo cơ hội vào trường một cách không công bằng cho nhiều TS khác, đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín của các trường.

Những hiện tượng tiêu cực trong việc chấm thi tuyển sinh ĐH-CĐ đã xuất hiện từ lâu, ở nhiều trường trên cả nước, nhất là các trường địa phương (tỉnh, thành phố), vì giữa cán bộ, nhân viên hội đồng tuyển sinh và các giám khảo thường có quan hệ họ hàng hoặc quen biết với các bậc phụ huynh và các TS trong địa phương, nên dễ nảy sinh những hiện tượng nể nang, móc ngoặc và phổ biến là “đặt giá” cho mỗi suất đỗ ĐH-CĐ.

Tiêu cực trong việc chấm thi tuyển sinh ĐH-CĐ biểu hiện ngấm ngầm nhưng đa dạng, có thể nêu ra mấy biểu hiện chính, dưới đây.

Một là: Có một số cán bộ chấm thi (giám khảo) yếu kém năng lực, thiếu trách nhiệm và không đúng chuyên môn. Chấm thi tuyển sinh cần nhiều giảng viên có năng lực tham gia, để trong một thời gian nhất định phải hoàn thành công tác chấm thi, lên điểm.

Thế nhưng, nhiều trường không đủ giảng viên để lựa chọn lấy những người có năng lực, uy tín chuyên môn để chấm thi, nên đã cử cả một số giảng viên giảng dạy yếu kém (sinh viên thường kêu ca về giờ dạy của các GV này) hoặc không đúng chuyên môn, để chấm thi.

Ví dụ, người dạy Sử lại chấm thi Văn (hoặc ngược lại), người dạy môn Hán- Nôm chấm thi Văn; người học ngôn ngữ Nga chấm thi Văn; người dạy Toán chấm thi Lý...

Nhiều trường đã phải thuê giáo viên THPT chấm thi; số GV này nhiều khi không được chọn cử chu đáo về năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm.

Mặt khác, không khí chấm thi nóng nực, căng thẳng, dễ mệt mỏi; nên nhiều giám khảo thường đọc qua loa, rồi cho những điểm vô thưởng vô phạt, chỉ cốt chấm cho nhanh để đếm bài ăn tiền chấm. Điều này gây rất nhiều thiệt thòi cho TS.

Hai là: Có những đường dây chấm thi mờ ám. Đây là điều tệ hại nhất của tiêu cực chấm thi tuyển sinh.

Báo chí đã có một số bài về vấn đề này. Các trường trung ương, vùng miền và các trường địa phương đều ít nhiều có đường dây chấm thi kiểu này, lâu nay báo chí đã phản ánh. Song, các trường ĐH-CĐ địa phương diễn ra nhiều hơn, do quan hệ họ hàng, quen biết giữa hội đồng tuyển sinh, các giám khảo với phụ huynh và TS như đã nói ở trên.

Cần khẳng định rằng, không phải giám khảo nào cũng nằm trong các đường dây chấm thi mờ ám, mà chỉ là những người “đồng điệu” nhất, “kín đáo” nhất. Họ “làm việc” hết sức kín kẽ, kết thành một “tổ chức” (?) chặt chẽ trong việc chấm từng môn, rồi liên kết trong cả 3 môn của mỗi khối thi.

Chấm thi tiêu cực, có 2 cách:

1- Chấm theo ký hiệu riêng trong bài thi của TS được “đỡ đầu”. Mỗi TS loại này có một ký hiệu riêng (không ai giống ai), được đánh dấu trong bài thi, thường là ở trang đầu.

Chỉ những giám khảo nằm trong đường dây ma mãnh thì mới biết, mới nhận ra các ký hiệu này; còn người ngoài, kể cả ban thanh tra địa phương, thanh tra Bộ rất khó phát hiện.

2- Chấm thi theo số phách. Đây là cách chấm thi gian lận tinh vi, kín cạnh nhất. Ngay từ khâu rọc phách, đánh phách, một số cán bộ (không phải tất cả) đã nắm được số phách từng môn thi của TS mà họ “đỡ đầu”.

Ví dụ: Bài thi môn Toán, môn Lý, môn Hóa của TS được “đỡ đầu” này số phách bao nhiêu, nằm trong các túi bài thi số mấy (…) . Từ đó, các giám khảo của đường dây khi nhận túi bài thi, đã biết là có bài của TS được “đỡ đầu”, với số phách cụ thể. Họ cứ theo số phách được “thông báo”, là cho điểm cao lên.

Để bài thi của các TS được “đỡ đầu” không bị chấm thanh tra (chấm lần 3), nghĩa là để đảm bảo đỗ 100%, thì hai người chấm thi (chấm 2 vòng) phải cho điểm giống nhau và cho “điểm đỗ”! Thường thì chỉ qua dăm, bảy bài chấm chung, các giám khảo đã dự đoán được “điểm đỗ” (mỗi môn và tổng điểm 3 môn).

Các đường dây chấm thi ma mãnh có quy định ký hiệu cho điểm, rất cụ thể, tinh vi, được người chấm vòng đầu “đánh dấu” ở một vị trí nhất định của bài thi. Người chấm vòng 2 cứ thế mà cho điểm trùng khớp.

Các bài thi qua 2 vòng có điểm giống nhau, rất ít khi bị xem xét chấm lại vòng 3 hoặc chấm thanh tra. Vì thế, đã thống nhất cho “điểm đỗ”, thì TS được “đỡ đầu”… nghiễm nhiên đỗ ĐH!

Ba là: Chấm thi các môn năng khiếu (văn nghệ, thể thao…) càng dễ gian lận, dễ “làm ăn”! TS “đỡ đầu” hiện diện trước mặt, giám khảo tha hồ “tự tung tự tác”, cho bao nhiêu điểm là tùy ý… “cụ”!

Điểm thi môn năng khiếu lại được nhân đôi (hệ số 2), nhiều khi chẳng cần hai môn kia điểm ra sao, nên các giám khảo các môn năng khiếu tha hồ “mần ăn”, kiếm tiền thoải mái!

Quy định của Bộ GD&ĐT là mỗi bài thi phải được chấm 2 vòng độc lập; bài nào chênh từ 0,5 điểm trở lên, phải được chấm vòng 3. Cũng có một số bài ngẫu nhiên được chấm “thanh tra”. Nhưng nhìn chung, các quy định này rất hình thức, không có nghĩa lý gì với các đường dây chấm thi gian lận!

Bốn là: Vào điểm thi. Khâu này cũng rất dễ gian lận. Người vào điểm bài thi qua máy tính có thể “tông” điểm lên. Thường người ta ít quan tâm xem xét, đối chiếu giữa điểm chung của 2 giám khảo, với điểm vào máy tính.

Bên cạnh việc chấm bài thi dễ gian lận như trên, bây giờ nhiều trường được “tự chủ tuyển sinh”. Đây là điều rất thuận lợi cho việc “thả phanh tuyển sinh” bằng việc nới rộng các tiêu chí và các hình thức xét tuyển (phỏng vấn, thi vấn đáp, xét học bạ…). Cho nên, các hành vi gian lận, tiêu cực trong việc tuyển sinh càng rất dễ thực hiện!

Để chống tiêu cực trong việc chấm thi, Ban Giám hiệu các trường và Ban Thanh tra cấp trên phải quản lý, theo dõi, kiểm tra thật chặt chẽ, kỹ lưỡng các công việc nêu trên.

Tuy nhiên, để phát hiện, xử lý tiêu cực chấm thi, không phải dễ. Tốt nhất, theo tôi, là tổ chức chấm chung, hoặc chấm chéo giữa các trường (theo vùng, miền, hoặc theo cụm trường của vài tỉnh, thành phố gần nhau).

Chấm phúc khảo cũng vậy, nếu để các trường (địa phương) tự chấm, rất dễ nảy sinh tiêu cực, “đặt giá” cho TS được trúng tuyển, vì càng dễ nhận ra các ký hiệu, số phách của TS!

Chấm chung, hoặc chấm chéo không hề khó khăn về khâu tổ chức, Bộ GD&ĐT và các trường nên thực hiện từ kỳ thi năm nay.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Đào Ngọc Đệ
Giảng viên chính

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.