Thật kỳ lạ là chiếc đồng hồ vẫn còn chạy! Nhớ đến truyện ngắn “Thời Gian” của Cao Duy Thảo, chiếc đồng hồ đeo tay của người liệt sĩ sau bao nhiêu năm vẫn tích tắc điểm nhịp, bất chấp bị vùi lấp trong lãng quên và oan ức…
Quy luật thời gian và ký ức là do chúng ta tự mặc định. Tương lai có phải là ký ức không? Tôi vẫn tin rằng đang có một chiều thời gian với những bước thời gian khác biệt, không phụ thuộc vào hệ quy chiếu không - thời gian hiện hữu.
Và như thế, trong suy nghĩ của tôi, thời hiện đại với quá nhiều khúc ngoặt bất ngờ không thể dự lường của sinh tồn và tâm thức loài người, mọi thứ nhiều khi đang chậm-hơn-sự-dừng-lại? Trên một nền thời gian khác?
Marcel Proust khi “Đi tìm thời gian đã mất”, nhận ra rằng “mỗi nghệ sĩ là công dân của một quê hương xa lạ, mà chính hắn cũng đã quên mất”. Quê hương ấy, theo quy luật thời gian, cũng như chiếc bánh madeleine, ánh trăng, chiếc lá, tháp chuông nhà thờ… đều mang hình ảnh, mùi vị của thì hiện tại đã/sẽ qua và đã/sẽ quên. Nhưng nó luôn để lại đâu đó trong kẹt cửa quên lãng những mùi vị, màu sắc, hình dáng thật đặc biệt và kỳ lạ. Đó mới chính là quê hương-vô-thời-gian thuần túy trong cảm xúc và trí tưởng của những kẻ sáng tạo.
Khi Arthur Rimbaud, thi hào Pháp xếp bảng màu kỳ lạ cho các nguyên âm (A đen, E trắng, I đỏ, U lục, O xanh), hay Đoàn Phú Tứ gọi tên màu tên hương thời gian (Màu thời gian không xanh/Màu thời gian tím ngát/Hương thời gian không nồng/Hương thời gian thanh thanh), là khi từ trong tiềm thức họ tìm thấy cái Tôi diệu vợi thâm u không thể nào nắm bắt ẩn dưới bóng của chiều thời gian khác. Một thời gian đã mất của thì tương lai, một quá khứ chưa kịp đến và một thực tại không nhìn thấy.
Tôi đi nhiều nơi, nhưng trí nhớ chỉ đọng lại ít nhiều. Tôi sống đã qua khá nhiều năm, qua bên kia dốc cuộc đời, nhưng hình ảnh chỉ lưu lại mấy bờ đê Hà Nội ngày bom rơi, và cỏ. Là cây cầu Long Biên như dáng người đàn bà lam lũ đạp xe sang sông.
Là đỉnh non Yên Tử, chiếc linga viết dấu chấm than trên nền Mỹ Sơn. Người đàn bà Mày địu con bắt cá trên bờ suối hoang vu. Cơn giông chiều trên đỉnh Cổng Trời Trường Sơn với những tia sét chói lóa, mang hương vị của vũ trụ và thời gian cổ xưa. Là cái bảng gỗ mang dòng chữ “Không giết gì ngoài thời gian” trên đỉnh ngọn núi ảo ảnh Bạch Mã.
Viên ngói gỗ như cánh chim như bàn tay xòe ra giữa thời gian đang chuyển động vô hình. Chiếc gương đồng cổ Champa từ ngàn năm trước hốt nhiên một sớm mai tôi nhìn thấy hiện lên trong đó nụ cười của Huyền Trân Công chúa bên thành Đồ Bàn...
Để nhận ra rằng cáp treo người ta đang nối lên đỉnh Fansipan, cũng chỉ là sợi tơ nhện quá mỏng manh giữa hơi thở của linh sơn. Chúng ta có thể sẽ đi và đến mọi nơi, bằng sợi cáp của thế kỷ này, hay bằng một dòng siêu ánh sáng của thế kỷ sau. Nhưng còn bước hành hương nặng nhọc, có khác gì nhau. Nguyên gốc đường hành lễ ở thánh địa Mỹ Sơn là con đường đá nhỏ kéo dài từ Đông sang Tây.
Đi từ nhà tịnh tâm phía Đông đến đền tháp phía Tây, như cách con người đi từ sống đến chết, từ bình minh đến hoàng hôn theo huyền lý phương Đông. Nhưng giờ đây một sự nhầm lẫn, lối hành hương đang dẫn con người ta vào Mỹ Sơn theo hướng ngược lại.
Ngược với con đường thời gian và ánh sáng. Nhưng dưới mỗi chân đền tháp nơi ấy đều hiện diện gương mặt Thần Kala (Thần Thời gian), giữ nhịp cho vòng quay sinh tồn từng viên gạch rêu phong cùng bước nhảy múa say sưa của những nàng vũ nữ Apsara.
Tôi tin có hoa Ưu Đàm, dù nở trên bệ sắt gỉ của loài người. Tôi tin có hạt thóc giống ủ từ ngàn năm vẫn trổ mầm ra hạt. Và thế giới rộng lớn này đang có những anh chàng Benjamin Button, sinh ra đã là một ông già 80, để rồi kết thúc vòng quay cuộc đời, chết đi trong hình dáng của một hài nhi.
“Chậm hơn sự dừng lại”, là tên một tập thơ chưa xuất bản của tôi. Dù đã viết xong và xếp xó từ 3 năm. Có thể số phận buộc nó phải như vậy, dừng lại để không đứng yên. Để hàng ngày mách bảo cho tôi về sự liên tục của ý nghĩ và đời người. Nên tôi biết dù có in ra nó cũng không thuộc về thì thời gian nào hết.
Một dạo, ở Hà Nội người ta khởi xướng dự án mang tên “Lưu giữ thời gian”, chôn xuống đất những “báu vật” của thì hiện tại, để 500 năm sau con cháu khai quật lên hiểu hơn về đời sống của cha ông chúng. Một “trò chơi” khá thú vị với thời gian mà thế giới đã từng làm từ hàng trăm năm trước. Nhưng liệu có chôn được, và đào lên được mùi vị kỳ diệu, làn hương tinh khiết, âm thanh mơ hồ của nhịp thở, ánh trăng, chiếc lá, mà chỉ có thể lưu giữ trong mỗi ký ức và sự suy tư huyền diệu của con người.
Và, chính là hôm nay ta thực sự có gì để tiếp nối cho sự liên tục của thời gian và đời người?
Đà Nẵng, 12/2013