Tiếng vọng chiến tranh. Tranh sơn mài của: Võ Xuân Huy. |
“Hóa thạch đương đại” của Huy như mặt ao tù xám ngắt, mốc meo bùn lỏng chật chội những vỏ lon bia, rác thải đã bị đóng lún bởi thời gian.
Đúng hơn là họa sĩ đã mượn quyền năng của thời gian để đóng lún vào mặt những bức tranh từ súng ống hoen rỉ, thẻ bài, huy chương đến rác thải công nghiệp, khiến chúng vọng ra những tiếng echo không rõ lời.
Nơi xưởng vẽ mái tôn nóng sôi của Huy mạn Nam Giao xứ Huế gần lăng vua mộ chúa, tôi đã bắt gặp sự cực đoan của những hoa văn cổ, dấu triện, ngổn ngang những chữ Phúc - Lộc - Thọ đã tàn phai sơn son thếp vàng xếp cạnh màu chết chóc của vũ khí, huy chương và rác thải... Dấu ấn của sự “xáo chộn” (chữ dùng của một nhà thơ trẻ đương đại) nội tâm được tuôn tràn ra ngoài trong sự “sắp đặt” của Huy trên mỗi bức sơn mài qua nhiều biến thể.
Võ Xuân Huy. |
Tôi và Huy hay gặp nhau, chỉ để lan man trò chuyện về hội họa, thi ca. Và rất thường hí hửng khoe nhau những ý tưởng mới lóe, để cùng nhau lui cui nuôi dưỡng. Bởi chúng tôi cũng bị xáo chộn quá nhiều.
Võ Xuân Huy (1970) - Hội viên Hội Mỹ thuật VN, giảng viên mỹ thuật Đại học Nghệ thuật Huế, Thạc sĩ ngành thị giác tại Đại học Maha Sarakham (Thái Lan), đã có nhiều triển lãm tranh trong và ngoài nước kể từ năm 1994 đến nay. |
Từng trải qua bột màu, tranh giấy dó, từng trình diễn nghệ thuật Địa hình (Land Art) trên ruộng lúa Vĩnh Linh - Quảng Trị quê nhà khi suốt mấy tháng trời chàng họa sĩ tự tay cuốc cày, gieo cấy để rồi một ngày trên cánh đồng những thảm mạ xanh ngắt mọc lên cụm tác phẩm kỳ vĩ về Mẹ, về thân phận ruộng đồng và những giấc mơ. Tiếp nối là sắp đặt Tháp lúa, cũng từ mạ non.
Nhưng cái làm lên tên tuổi Võ Xuân Huy chính là sơn mài, với những biến thể phát ra tín hiệu thị giác không lẫn vào ai.
Màu son (cinnabar) - nóng đỏ của họa tiết xưa bị vụn vỡ, tan chảy rồi nhường bước cho gam màu xám xanh, lục rêu phong chiếm lĩnh toàn bộ không gian bức tranh.
Màu của thời gian, rêu mốc, màu hoen rỉ với sắc thái nhạt nhòa khó nắm bắt, độ sáng bóng và mờ đan xen hoặc khu biệt.
Gam màu này chính là thành công của Huy khi nỗ lực đi tìm bảng màu mới cho sơn mài Việt Nam vốn đã quá quen thuộc với giam màu nóng, nhiều son đỏ, bạc và vỏ trứng.
“Vọng là nỗ lực của tôi nhằm làm mới, làm khác đi quan niệm về tranh sơn mài đã thành nếp gấp công thức lâu nay. Bởi lẽ, đời sống đương đại đòi hỏi ở tranh sơn mài một hệ hình mới để phản ánh. Với Vọng, tôi tạo ra những trường liên tưởng, ngữ nghĩa vọng về từ các vết tích. Vết tích của di sản văn hóa, chiến tranh, môi trường. Tôi nhìn thấy ở đây sự trớ trêu, hài hước và cả nỗi đau…”, họa sĩ chia sẻ.