Em thế nào thì cứ thế mà đến…

Em thế nào thì cứ thế mà đến…
TP - Đêm qua, 25-8, tại “Nhà hát đĩa bay” Cung Tiên Sơn lộng lẫy, Hoa hậu thứ 13 trong lịch sử 24 năm tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã lên ngôi. Người đẹp đội chiếc vương miện là cô gái Đặng Thu Thảo, 21 tuổi, đến từ Cần Thơ.

> Thí sinh duyên dáng trong tà áo dài

Tôi đã dõi theo em sải bước cùng những người đẹp khác suốt chặng mười ngày vòng chung kết ở Đà Nẵng. Những buổi sớm bình minh loáng ướt chân sóng Mỹ Khê, những trưa nắng gắt bên vịnh Sơn Trà, Non Nước, những thời khắc xo ro vì lạnh giữa mùa hè trên đỉnh Bà Nà 1.400 mét.

Những buổi tập luyện đẫm mồ hôi, có cả nước mắt… Từng cảnh quay, mỗi vòng thi cứ lần lượt trôi qua. Rất nhiều khi tôi bị lạc em giữa rừng giai nhân, chỉ còn thấp thoáng. Thậm chí đôi lúc, tôi thấy gương mặt em hoàn toàn khuất sau lớp mù sương …

Nhưng rồi cuối cùng, vào thời khắc quan trọng nhất, em đã thăng hoa. Ngôi miện là cái đẹp chính danh, số đông vẫn cho là vậy.

Nhưng chính danh của cái Đẹp, là gì? Tôi từ lâu đã không nhìn nó bằng con mắt của một cuộc thi, những cuộc thi nhan sắc, tài năng đang diễn ra khắp thế giới Đông – Tây.

Tôi không thấy nhất hay nhì. Không thấy thua hay thắng. Mà thấy nó như một SỐ PHẬN hiện hữu trong đời sống này.

Một số phận kỳ lạ, phập phồng đập nhịp thay cho chính số phận chúng ta, cho tôi và em. Không một thang điểm, barem hay ban giám khảo nào chấm được cái đẹp ấy, mà thực ra chính nó dẫn dắt, điều chỉnh chúng ta. Cái đẹp đang chấm chúng ta.

Từ một ý tưởng của đạo diễn Trần Anh Hùng, khi anh quan niệm nhiệm vụ cốt yếu và cuối cùng của người làm phim là nắm bắt được cái chất “hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống cộng đồng”, Hoàng Ngọc Hiến một cách tài tình đã thêm vào đó hai chữ: “cái đẹp”. “Cái đẹp hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống cộng đồng” (*)

Nhà nghiên cứu minh triết phương Đông lý giải, cái “hoàn hảo” ở đây bản thân nó có thể có nhiều thiếu sót; lơ lửng vì nó là cái khó nắm bắt, vừa mong manh vừa bền vững, khi ẩn khi hiện, nhiều khi pha trộn với nhiều thứ “không hoàn hảo”, thậm chí “bất hảo” …

Bông hoa có xấu thực hay không khi nó hiện hữu ở chốn lắm thị phi ? Và có đẹp thực hay không khi được trưng bày bên bạc tiền, quyền quý ? Có hay không một “vẻ đẹp thất bại”?

“Cái đẹp trong sự hoàn thiện những quá trình nghiệm sinh” (triết gia Trần Đức Thảo). Tôi vẫn tự hỏi nỗi cay đắng, thất bại của cái đẹp thì có chứa vẻ đẹp nào trong đó không ? Nghiệm sinh chính là từng lần, mỗi lần vượt lên cay đắng, thất bại. Nghiệm sinh còn là gì nữa? Chỉ thời gian mới có thể trả lời, hay nói cách khác câu trả lời luôn ở phía trước.

Và như vậy, từng ngày chúng ta bước đi trên đời sống này, mọi thứ đều có thể xảy ra.

Quan trọng là tôi sẽ nhìn cái đẹp bằng con mắt nào, nhịp đập nào ...

Tôi sẽ nhìn riêng dị như Bùi Giáng: “Người con gái hôm nay mặc quần rách/Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành/Lành và rách đều vô cùng trong sạch/Bởi vì lành rách cũng long lanh” (Người con gái mặc quần). Và cũng sẽ nói như Rabindranath Tagore: “Em thế nào thì cứ thế mà đến/Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần” (Bài thơ tình số 2).

*

Đêm qua, trên sân khấu tràn ngập sắc màu Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2012, khi những người đẹp vào màn thi ứng xử, nói lên những suy nghĩ về cái đẹp, về hoà bình, về bản thân và cuộc sống, tôi chợt nhớ tới câu nói của một nhà văn yêu thích: “Người yêu bản thân đồng nghĩa với yêu cuộc sống”.

Tôi đã hơi giật mình. Những nhan sắc mười tám kia chập chững bước vào đời sống cam go và đầy rẫy thị phi, liệu có đủ ít nhiều trải nghiệm để hiểu bản thân mình là gì, và cuộc sống là gì ?

Có biết cái đẹp nơi cuộc sống này nhiều khi là biết chấp nhận thất bại ? Thái độ của sự dừng bước đem đến cho cái đẹp một thử thách không nhỏ. Nhưng nó sẽ lớn lao hơn mọi sự thắng cuộc dễ dàng. Cái đẹp là vị giám khảo khắt khe nhất, hơn cả thời gian và nhan sắc, đang chấm điểm chúng ta.

Tôi chúc mừng em đã chiến thắng đêm qua. Tôi biết ơn những người đẹp thất bại trong cuộc thi đêm qua. Tôi thực sự cám ơn họ thật nhiều. Đó là những “cái đẹp lơ lửng”.

Cuộc thi đã hoàn thiện thêm cho họ, và nhiều hơn là cho tôi. Cho bao người khác. Tạm dừng một bước giữa vô vàn cuộc thi nhan sắc. Nhưng tôi biết, và hy vọng, cái đẹp cao hơn cả nhan sắc vẫn là của họ, vẫn theo họ, lan tỏa theo cách riêng, dành cho đời những mùi hương riêng dị.

Với những tuổi mười tám chưa có dịp đứng lên bục cao nhất cuộc thi đêm qua, cũng như Rabindranath Tagore, tôi đã nhìn thấy “cái bí mật vô biên trên vầng trán nhỏ của em”…

Đêm 25.8

(*) Xem “Hoàng Ngọc Hiến … Viết” (NXB Lao Động, 2012)

Em thế nào thì cứ thế mà đến… ảnh 1
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.