1. Rõ mười mươi Chắc ai đó sẽ về không phải là sự sáng tạo độc lập của Sơn Tùng, chính anh chàng này cũng thừa nhận như vậy, nhưng để nó có được diện mạo như đang có hiện nay thì sự sáng tạo của Sơn Tùng không nhỏ: Viết ca từ và sáng tác giai điệu với ca từ ấy.
Đối với một nền âm nhạc quá nệ vào ca khúc và còn chưa quan trọng tính hàn lâm thì chỉ cần giai điệu và ca từ là đủ yếu tố để nó thành một tác phẩm độc lập và người sáng tạo nên giai điệu và ca từ ấy đương nhiên là tác giả, mọi người sẵn sàng dành cho hai mỹ từ thật oách: nhạc sĩ. Và điều này đã diễn ra với nền ca khúc Việt kể từ khi âm nhạc phương Tây du nhập và nền tân nhạc Việt Nam ra đời.
Nhưng đến câu chuyện của Chắc ai đó sẽ về thì quan niệm này đã hoàn toàn lạc hậu. Sơn Tùng khi viết giai điệu và ca từ “Ai đó sẽ về” đã dựa vào nhạc nền và vòng hòa thanh đã có sẵn của K-pop. Mà như nhạc sĩ Đỗ Bảo khẳng định, về yếu tố này, hai tác phẩm giống nhau gần như tuyệt đối. Đối với một nhạc sĩ được đào tạo bài bản và tôn trọng sự sáng tạo độc lập như Đỗ Bảo đương nhiên điều này không thể chấp nhận được. Anh khéo léo cho rằng đây là kiểu “đạo nhạc mới”.
Nhiều nhạc sĩ cũng đã lên tiếng rằng Sơn Tùng đã đạo nhạc và đề nghị cơ quan quản lý dừng việc phổ biến ca khúc này. Trên thực tế, tôi nghĩ sẽ rất khó để cơ quan quản lý nào ra một văn bản khẳng định việc đạo nhạc và cấm phổ biến trong khi chưa có một văn bản mang tính pháp quy nào nói rõ ràng về việc thế nào thì được cho là đạo nhạc; nhất là với trường hợp Chắc ai đó sẽ về lại càng khó hơn. Nếu có thể, chỉ là tạm dừng việc phổ biến vì đang có những tranh luận về bản quyền. Tất nhiên, phải nhìn nhận thẳng: không khuyến khích việc sáng tác kiểu như trường hợp Chắc ai đó sẽ về và cần loại bỏ khỏi đời sống âm nhạc.
Nếu có một hội đồng quy định về đạo nhạc và mời bỏ phiếu khi đã có những quy định rõ ràng, tôi sẽ nhất trí với ý kiến Chắc ai đó sẽ về là một tác phẩm đạo nhạc. Song, cho tới thời điểm hiện tại, việc khẳng định đạo hay không vẫn còn là một điều cần được bàn luận. Đây là một lỗ hổng chưa được lấp và chừng nào nó vẫn còn tồn tại thì đời sống nhạc Việt sẽ còn lúng túng trong những chuyện tương tự.
2.Chắc ai đó sẽ về chính là thêm một phát súng cảnh tỉnh về thực tiễn đang diễn ra rất phổ biến hiện nay: Khi nghệ sĩ của thế giới “ảo” bước ra đời thật. Trong thế giới “ảo” mọi người như nhau, ai cũng có quyền sử dụng âm nhạc để thể hiện cái tôi của mình. Nhất là giới underground, không cần so đo về việc tác quyền, bởi sự sáng tạo có thể chỉ là “phịa” phần lời trên nền một đoạn nhạc beat đã có sẵn.
Nhưng đó là chuyện của những giọng hát nghiệp dư, nhằm giúp giải tỏa mong muốn được ca hát. Vấn đề sẽ hoàn toàn khác khi những gương mặt “ảo” bỗng trở nên hot và nghiễm nhiên bước ra đời thật. Nhận sô đi diễn và hoạt động như một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Có một điều những gương mặt bước ra từ thế giới “ảo” này thường hay vướng vào những chuyện lùm xùm, đồng thời là một trong những nguyên nhân khiến cho đời sống giải trí trở nên rối bời. Một nguyên nhân cơ bản đó là sự non trẻ trong tay nghề, chưa được chuẩn bị những kỹ năng của một nghệ sĩ mà đã bước thẳng lên sân khấu chuyên nghiệp.