Cố gắng cứu người
Sáng 9/7, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban dân vận T.Ư Hà Thị Khiết; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh cùng nhiều cán bộ T.Ư Đoàn đã đến thăm các chiến sĩ đang điều trị tại Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Báo cáo với đoàn đến thăm, lãnh đạo bệnh viện cho hay, bệnh viện đã huy động các lực lượng chuyên môn, tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, sử dụng các máy móc hiện đại nhất phục vụ công tác cứu chữa cho các chiến sĩ. Ông Nguyễn Gia Tiến, Giám đốc Viện bỏng Quốc gia cho biết, Viện đã mời các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Viện 108, 103 để tiếp tục hội chẩn tìm giải pháp khắc phục nhiễm độc, nhiễm khuẩn.
Ngồi thẫn thờ bên hành lang bệnh viện, cựu chiến binh Nguyễn Minh Ngoãn, bố của Nguyễn Hoàng Anh (SN 1981) – một trong ba chiến sĩ đang điều trị tại Viện Bỏng thỉnh thoảng lại đưa tay gạt nước mắt khi kể chuyện về con. Ông Ngoãn kể, gia đình của Hoàng Anh còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, vợ ở quê làm ruộng, con mới sắp đi học lớp 1.
“Thỉnh thoảng tôi lên đơn vị chơi, các anh nói Hoàng Anh rất ngoan, nhất là tình thương yêu đồng đội. Về nhà thì có hiếu với bố mẹ, chăm chỉ giúp đỡ hàng xóm láng giềng”, ông Ngoãn nói. Hôm xảy ra sự việc, chính bạn bè, hàng xóm đến báo tin, tạo điều kiện cho gia đình ông Ngoãn lên bệnh viện. Chia sẻ về tình hình sức khỏe của con, ông Ngoãn vui lên một chút nhưng vẫn rơi nước mắt.
“Sáng hôm nay, tình hình sức khỏe của Hoàng Anh khá hơn rất nhiều, thấy chân tay cử động được”, ông Ngoãn nói. Theo ông, từ ngày xảy ra sự việc, các bác sĩ tạo điều kiện cho rất nhiều, được vào gặp con liên tục nên ông cũng an tâm phần nào.
Trao đổi với đội ngũ bác sỹ Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban dân vận T.Ư Hà Thị Khiết cho rằng, đây là một sự đau xót, mất mát lớn của đất nước và nhân dân. “Tôi vừa nghe báo cáo, rất đau xót khi có 2 đồng chí do vết thương quá nặng đã hy sinh. Mong muốn các bác sỹ tiếp tục cố gắng, giúp các chiến sĩ vượt qua cơn hiểm nghèo”, bà Khiết nói.
Những người con trung hiếu
Rời Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, đoàn đến thăm gia đình liệt sỹ Nguyễn Ngọc Thắng (Chiến đấu viên, Bộ Tư lệnh Thủ đô). Căn nhà nhỏ trong khu tập thể Nam Đồng nhuốm màu u buồn, tĩnh mịch. Anh Thắng ra đi bỏ lại bố mẹ đã già, vợ đang mang bầu và con nhỏ mới 2 tuổi.
Trong câu chuyện về anh, thỉnh thoảng, mẹ và vợ anh lại lau đi dòng nước mắt. Bé Đức chưa hiểu chuyện, vẫn ngây thơ ngồi trong lòng mẹ, nghe mọi người trò chuyện về bố Thắng trong tiếng khóc của người thân… Tại Nhà khách Quân chủng PK-KQ, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban dân vận T.Ư Hà Thị Khiết, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đã thăm hỏi, động viên, chia buồn với 11 gia đình có con, em hy sinh trong vụ máy bay rơi.
Trong cả cuộc gặp, bà Trịnh Thị Minh, mẹ liệt sỹ Nguyễn Văn Thịnh (SN 1991, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) phải nhờ con dìu đi từng bước. Nước mắt cứ tuôn chảy mãi khi mọi người hỏi về Thịnh. Được một lúc, người nhà phải dìu bà đi nghỉ vì lo lắng cho sức khỏe.
Ông Nguyễn Văn Ngân, bố của Thịnh kể, buổi trưa ngày 7/7, vừa ăn cơm xong, theo thói quen, ông mở tivi lên xem chương trình thời sự. Thấy có tin về tai nạn máy bay, ông liền điện thoại cho con. “Điện thoại vẫn có chuông, nhưng không ai nghe máy. Linh cảm có việc chẳng lành, tôi vội bắt xe từ Thanh Hóa ra Hà Nội, đến hiện trường nhưng không vào được. Sau liên hệ với đơn vị của con thì được thông tin cháu đã mất”, ông Ngân kể.
Tại buổi thăm, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban dân vận T.Ư Hà Thị Khiết đã trao 21 phần quà (5 triệu đồng/suất) cho các gia đình. Đây là số tiền được các báo Tiền Phong, Thanh Niên và Ban thanh niên Quân đội ủng hộ. T.Ư Đoàn cũng trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho ba chiến sĩ đang điều trị tại bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, đồng thời truy tặng Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho 14 đồng chí đã hy sinh.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thăm các quân nhân bị thương
Chiều 9/7, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến thăm hỏi và tặng quà cho gia đình và các quân nhân bị thương trong vụ tai nạn máy bay trực thăng Mi-171, đang được điều trị tích cực tại Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Học viện Quân y). Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định nhân dân cả nước biết ơn, trân trọng sự dũng cảm, thầm lặng của những người con trung hiếu với đất nước. Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ mong muốn Viện Bỏng Quốc gia tập trung, cố gắng hết sức cứu chữa các chiến sĩ qua cơn nguy kịch.
Công Khanh
Ngành GD&ĐT Hà Nội thăm các gia đình liệt sĩ
Ngày 9/7, đại diện lãnh đạo ngành và công đoàn giáo dục Hà Nội đã đến thăm và hỗ trợ gia đình hai cô giáo có chồng hy sinh trong vụ máy bay gặp nạn tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Hai cô giáo đó là Nguyễn Thị Chính, Trường THPT Hai Bà Trưng, huyện Thạch Thất (chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh, quân số của Bộ Tư lệnh Thủ đô) và Vũ Thị Phượng, Trường THCS Gia Thụy, quận Long Biên (chồng là liệt sĩ Nguyễn Đào Hồng Tâm, sĩ quan dù của Trung tâm Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đường không).
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sau nỗi đau đớn mất chồng thì cả hai cô giáo hiện đang đối mặt với cuộc sống mưu sinh đầy khó khăn. Cô Nguyễn Thị Chính thì một mình nuôi ba con nhỏ, trong đó cậu con út mới khoảng 6 – 7 tuổi. Còn hoàn cảnh cô Vũ Thị Phượng thì éo le hơn nhiều. Bản thân cô là con liệt sĩ, giờ chồng lại hy sinh khi mới ngoài 30 tuổi.
“Cô Phượng và anh Tâm vừa mới cùng nhau kỷ niệm 10 năm ngày cưới. Tuy nhiên, họ mới chính thức được ở gần nhau từ 5 năm nay sau khi cô Phượng chuyển được lên Hà Nội dạy học. Anh Tâm hy sinh để lại cho cô Phượng hai cô con gái, bé sau mới được mười mấy tháng tuổi. Hiện tại họ đang sống trong một căn phòng thuê chừng hơn chục mét vuông ở khu dân cư 918, phường Phúc Đồng, quận Long Biên. Tuy nhiên nhờ đường phía trước khá rộng nên cũng có chỗ cho gia đình căng bạt làm nơi tiếp đón những người đến chia buồn”, ông Thống kể.
Quý Hiên
Hỗ trợ hết sức các gia đình quân nhân bị nạn
Ngày 9/7, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tới Viện Bỏng Quốc gia thuộc Học viện Quân y thăm, động viên các chiến đấu viên thuộc Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ Tư lệnh Thủ đô bị thương trong vụ tai nạn trực thăng xảy ra ngày 7/7.
Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng, vụ tai nạn không chỉ là mất mát lớn của mỗi gia đình, mà còn là mất mát lớn của quân đội và đất nước. Những quân nhân hy sinh và bị thương đều là các phi công, các sĩ quan dù, các chiến đấu viên nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã chỉ đạo huy động mọi nguồn lực, tập trung nỗ lực, trách nhiệm, tình cảm cao nhất trong cứu chữa 3 chiến đấu viên bị thương; tổ chức lễ truy điệu trang nghiêm, chu đáo cho 18 quân nhân hy sinh; khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân tai nạn và rút kinh nghiệm kịp thời; Đồng thời, Bộ trưởng cũng chỉ đạo Quân chủng PK-KQ, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng nắm bắt kịp thời hoàn cảnh gia đình các quân nhân bị tai nạn.
Đối với những người đã hy sinh, có con nhỏ, cần có phương án hỗ trợ các cháu ăn học; những trường hợp vợ của các quân nhân chưa có việc làm, quân đội sẽ tạo điều kiện về việc làm phù hợp với trình độ, khả năng; đối với những người chưa có nhà ở, Bộ Quốc phòng giao Quân chủng PK-KQ và Bộ Tư lệnh Thủ đô nghiên cứu, sắp xếp chỗ ở. Chiều 9/7, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết, Bộ Quốc phòng đã có quyết định thăng và truy thăng quân hàm lên một cấp đối với các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp bị thương và hy sinh trong vụ tai nạn trực thăng Mi-171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916. Đối với những học viên trên máy bay chưa phải là sĩ quan sẽ được truy phong quân hàm thiếu úy.
Nguyễn Minh - CTV