Cây gậy và củ cà rốt

Cây gậy và củ cà rốt
TP - Thấy thương lái phương Bắc đổ xô lùng sục thu gom mua gậy với giá cao chót vót. Dân tình vào rừng rào rào đốn hạ cây non chuốt làm gậy bán kiếm tiền. Thật khó hiểu! Họ mua gậy làm gì nhỉ? Có người trấn an: Thôi kệ đi! Xưa nay từng thế mà, có ai biết họ mua móng trâu, móng bò, lá điều, hoa nhãn, rế tre, rễ tiêu, ốc bươu, đỉa đói làm gì đâu...

Rồi các thương lái chuyển sang thu mua cà rốt! Lúc này thì dân tình phát sốt nhổ sắn, nhổ khoai trồng cà rốt vội. Lại đoán thìn đoán mẹo: Có thể nhiều người dân xứ ấy xài nhiều thứ cây quả tẩm ướp hóa chất, khiến thể trạng suy kiệt, trí tuệ trì độn, nên tìm mua cà rốt, bổ sung i ốt cải hóa chúng sinh chăng?

Nghe chuyện dân tình xôn xao bàn tán, có vị học giả ngang qua kiến giải: Các vị nhầm rồi. Đó là chính sách của họ được tượng hình cho nó cụ thể đó thôi!

Đám đông xôn xao: Chính sách gì mà lạ vậy, xin được chỉ giáo cho thấu đáo!

Vị học giả: Các vị từng nghe chính sách “cây gậy và củ cà rốt” rồi chứ? Nó đấy! Đó là  chính sách ngoại giao trong quan hệ quốc tế, thường được dùng bởi các nước lớn nhằm thay đổi hành vi của các nước nhỏ. “Cây gậy” tượng trưng cho sự đe dọa trừng phạt, “củ cà rốt” tượng trưng cho quyền lợi có được. Một chính sách kiểu này luôn hội tụ đủ ba yếu tố: Ép, đe dọa yêu cầu thay đổi, nếu thay đổi sẽ có quyền lợi,  không chịu thay đổi sẽ trừng phạt…

Đám đông ồ lên: Chính sách gì mà lạ vậy? Thật là không công bằng, cậy mạnh hiếp yếu!

Vị học giả điềm tĩnh: Bình tâm! Bình tâm! Qua lâu rồi thời kì hoang dã lấy thịt đè người. Kỷ nguyên văn minh tiến bộ có ai sợ lối hành xử côn đồ gậy gộc dao búa đâu! Hành vi ấy, có chăng còn rớt lại ở những kẻ phàm phu tục tử thôi!                           

MỚI - NÓNG