Cầu vượt lắp ghép là giải pháp thiển cận?

Cầu vượt lắp ghép là giải pháp thiển cận?
Dù cầu vượt lắp ghép giải quyết được ùn tắc giao thông trước mắt, lại có giá thành rẻ hơn nhiều so với cầu vĩnh cửu, song nó vẫn chỉ là giải pháp tình thế.
Cầu vượt siêu nhẹ nút Chùa Bộc - Thái Hà
Cầu vượt siêu nhẹ nút Chùa Bộc - Thái Hà.

Đây là ý kiến của một số chuyên gia về giải pháp xây cầu vượt siêu nhẹ đã và đang được TP. Hà Nội xây dựng. Ngoài 2 cây cầu đã đưa vào sử dụng tại các nút giao thông Tây Sơn - Chùa Bộc và Lê Văn Lương, Thái Hà, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng một loạt cầu vượt siêu nhẹ tại các nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, Bạch Mai - Lê Thanh Nghị…

Lợi thì có lợi…

TS Doãn Minh Tâm, chuyên gia cao cấp về giao thông đường bộ, cho rằng trong thời điểm rất nhiều giải pháp đưa ra nhằm giảm ùn tắc giao thông (UTGT) nhưng chưa thấy hiệu quả đâu, thì việc xây cầu nhẹ ở một số nút để giải quyết ùn tắc trước mắt là việc nên làm.

Một chuyên gia của Hội KHKT Cầu đường Việt Nam cũng cho rằng, giải pháp xây cầu vượt siêu nhẹ để giải quyết ùn tắc trước mắt có thể chấp nhận được. Không những thế, cầu vượt siêu nhẹ còn có giá thành rẻ (dưới 200 tỷ đồng, trong khi xây cầu vĩnh cửu mất hàng ngàn tỷ đồng), nên nếu phải phá đi khi hết tác dụng cũng không lo bị lãng phí.

TS Khuất Việt Hùng, Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT, cho rằng tại thời điểm này, khi UTGT nội đô ngày càng nghiêm trọng thì việc giải quyết ùn tắc tại những điểm nóng bằng giải pháp không phải quá tốn kém, thời gian giải quyết nhanh là đáng được hoan nghênh. Từ khi đưa vào sử dụng 2 cầu tại các nút giao thông Tây Sơn - Chùa Bộc và Lê Văn Lương- Thái Hà (ngày 26-4), tình hình UTGT tại đây giảm đáng kể.

Nhưng xây vội vàng?

Tuy nhiên, TS Doãn Minh Tâm và TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, đều cho rằng việc xây cầu vượt siêu nhẹ cũng chỉ là giải pháp tình thế, tức là hy vọng tạo ra nút giao thông khác mức để giảm ùn tắc. Cũng vì là giải pháp tình thế nên Hà Nội cũng phải tính được hiệu quả của nó kéo dài bao lâu và đến thời điểm nào đó sẽ lạc hậu.

“Theo tôi, trước đây chúng ta không đặt vấn đề tồn tại những cây cầu này nên phải bổ sung. Nhưng rõ ràng phải tính đến lúc nào đó thì lại tắc chứ không phải thông cả. Như vậy, phải lập quy hoạch đến khi nào lại tắc đường thì giải quyết như thế nào và liên thông với những nút khác ra sao”, ông Tâm nói.

Còn KTS Đào Ngọc Nghiêm thì cho rằng, giao thông là nội dung trong quy hoạch tổng thể không gian, phải cân nhắc giữa tầm nhìn dài hạn và trước mắt tại từng khu vực. “Đừng vì tầm nhìn trước mắt mà phá vỡ cảnh quan để thế hệ sau phải gánh chịu”, ông Nghiêm nói và cho rằng khi chưa xây dựng được các cầu vĩnh cửu thì có thể xây cầu nhẹ, song song khai thác cầu là làm đúng quy hoạch giao thông, đồng thời phải đảm bảo thông toàn tuyến và đảm bảo mỹ quan đô thị.

TS Khuất Việt Hùng thì cho rằng, về nguyên tắc cần có nghiên cứu chi tiết đánh giá hiệu quả của cầu vượt nhẹ vì đôi khi giải pháp có hiệu quả đối với một nút giao thông nhưng sẽ ảnh hưởng đến những nút giao thông khác. Tuy nhiên, đến nay, chúng ta mới đơn thuần xác định hiệu quả mang tính cục bộ, tức là giải quyết tại nút đó, còn mức độ ảnh hưởng đến mạng lưới lân cận thì chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ.

“Tôi nghĩ, thời gian tới, Hà Nội cần có những đánh giá cụ thể về việc này. Ví dụ như xây cầu vượt Tây Sơn - Chùa Bộc tác dộng đến nút giao thông Hồ Đắc Di, Nguyễn Lương Bằng, thậm chí vào đến Ô Chợ Dừa thế nào? Tương tự là làm cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà thì tác động giao thông vào nút Láng Hạ - Đê La Thành ra sao?”…

Báo Đât việt

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.