> Emil Lê Giang giá triệu đô chỉ là đồn thổi
Một bộ phận dư luận kỳ vọng cầu thủ Việt kiều mang quốc tịch Slovakia này sẽ tạo nên một luồng gió mới - một sức sống mới tại sân chơi V.League. Nhưng một bộ phận dư luận khác lại đang nghĩ khác.
21 tuổi, cao 1m80, từng khoác áo các ĐTQG trẻ của Slovakia, là mục tiêu săn đuổi của hàng loạt CLB danh tiếng châu Âu như Liverpool, Lazio, Juventus, và từng được một CLB Đức trả mức phí chuyển nhượng lên tới 1 triệu USD để có được chữ ký của mình – đó là tất cả những “thông tin màu hồng” mà giới mộ điệu BĐVN biết về Emil Lê Giang.
Rõ ràng là so với những cầu thủ Việt kiều trước đây như Ludovic Caset hay Toni Lê Hoàng – những người đã từng về Việt Nam thử việc và từng thất bại ê chề, thì Emil Lê Giang bây giờ có một hồ sơ bay bổng, hấp dẫn hơn nhiều.
Những ngày này, Lê Giang đang thử việc tại CLB Navibank Sài Gòn. HLV trưởng Navibank Sài Gòn Phạm Công Lộc tỏ ra hết sức thận trọng khi đánh giá về anh: “Hiện tại Giang mới chỉ tập thể lực, chứ chưa tham gia vào các bài tập chuyên môn, nên chưa thể có những đánh giá chính xác về Giang được”.
Gặng hỏi về những ấn tượng ban đầu với một cầu thủ được quảng cáo ngút trời như Giang, ông Lộc cho biết: “Khi xem hình Giang qua báo chí, tôi nghĩ cậu ấy phải to cao lắm, nhưng thực tế thể hình của Giang cũng na ná như các cầu thủ nội của chúng ta”.
Những người hiểu Navibank Sài Gòn và hiểu cách dụng binh của ông Lộc nói rằng ông rất ưa những mẫu tiền đạo cao to, dày cơm, tỳ đè tốt, trong khi Emil Lê Giang lại không thuộc mẫu tiền đạo này, nên khả năng Navibank Sài Gòn “OK” Giang vẫn còn bỏ ngỏ.
Ở một thời điểm mà Lê Giang đang thử việc trong màu áo Navibank Sài Gòn thì từ CLB HN.T&T, ông Chủ tịch Nguyễn Quốc Hội lại bất ngờ tiết lộ một thông tin gây sốc: “Trước khi vào Nam, Lê Giang ngỏ ý muốn thử việc tại đội bóng của chúng tôi. Nhưng hiện tại VFF và Tổng cục TDTT chưa đồng ý việc coi các cầu thủ Việt kiều đá V.League như những cầu thủ nội nên nếu nhận Giang và cho Giang vào sân, chúng tôi bắt buộc phải hy sinh một ngoại binh hiện có. Nhưng chúng tôi không thể làm như vậy, vì các ngoại binh hiện đang chơi rất tốt, vì thế, chúng tôi đã từ chối Lê Giang”.
Không những hé lộ về việc từ chối Lê Giang ông Hội còn không ngại ngần bình luận rằng cái giá triệu USD mà người ta quảng cáo về Giang rất có thể chỉ là giá ảo.
Ông Hội nói: “Ở V.League xưa nay, trước khi ký hợp đồng với một CLB, tất cả các cầu thủ, từ cầu thủ nội cho đến cầu thủ ngoại đều mượn tay báo chí để thổi giá của mình lên cao. Tôi ngờ rằng cái giá 1 triệu USD của Lê Giang cũng nằm trong diện này”.
Riêng HLV cựu trào Vương Tiến Dũng – người đã có lúc sở hữu ngôi sao người Brazil Denilson trong đội hình, thì không chỉ nghi ngờ về mức giá của Lê Giang, mà còn nghi ngờ cả về trình độ của cầu thủ này.
Ông Dũng bảo: “Tôi nghe người ta quảng cáo về Lê Giang khủng khiếp quá, nhưng kinh nghiệm mách bảo tôi rằng nếu có một trình độ khủng khiếp đúng như thế, Lê Giang đã đá bóng ở châu Âu, chứ chẳng về Việt Nam thử việc làm gì”.
Thực ra thì điều mà ông Dũng nghi ngờ cũng là điều mà người ta đã đặt ra cho người đại diện của Lê Giang. Và câu trả lời nằm ở chỗ, Giang có bố là người Việt Nam, có bà nội đang sống tại Hà Nội nên từ trong sâu thẳm lòng mình, Giang khao khát được đá bóng ở quê nội.
Về điều này, ông Vương Tiến Dũng nhìn nhận: “Tôi thấy cầu thủ Việt kiều nào khi về nước cũng nói những điều như thế cả. Dĩ nhiên tôi không nghi ngờ tình cảm của họ, nhưng bóng đá là bóng đá.
Trong bóng đá, tôi nghĩ họ đủ chuyên nghiệp để thấy cần phải đặt vấn đề chuyên môn – môi trường thi đấu làm ưu tiên số 1. Mà nói tới những vấn đề này, thì rõ ràng môi trường châu Âu tốt hơn môi trường Việt Nam rất nhiều. Cho nên việc họ bỏ châu Âu về Việt Nam vẫn khiến tôi không thể hoàn toàn tin tưởng vào tài năng của họ”.
Emil Lê Giang có được Navibank Sài Gòn ký hợp đồng hay không và anh liệu có trở thành một món “hàng độc” tại sân chơi V.League như kỳ vọng của một bộ phận người hâm mộ hay không, chắc chắn sẽ được thời gian trả lời.
Nhưng có thể thấy rằng, với những bài học đắt giá trong quá khứ đến lúc này, thì phần lớn các nhà chuyên môn đều tỏ ra thận trọng, chứ không còn vội vàng đặt niềm tin vào những cầu thủ được quảng cáo ngút trời như ngày xưa nữa. Và đấy cũng là một dấu hiệu cho thấy “nhận thức bóng đá” của chúng ta đã lý tính hơn và chuyên nghiệp hơn rất nhiều?
Theo Công An Nhân Dân