Cầu nối giữa hai nhiệm kỳ

TP - Dù đang trong thời điểm “cuối nhiệm kỳ” và “trước thềm” Đại hội lần thứ XIII của Đảng, song không vì thế mà các đại biểu “dĩ hòa vi quý”, hoặc nể nang, né tránh.

Là đợt chất vấn cuối cùng của Quốc hội khóa XIV nên tất cả những vấn đề “nóng”, bức xúc được cử tri và nhân dân quan tâm đều được các đại biểu đặt ra cho Thủ tướng, các phó thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, thậm chí cả Chủ tịch Quốc hội. 

Điều đặc biệt là, dù đang trong thời điểm “cuối nhiệm kỳ” và “trước thềm” Đại hội lần thứ XIII của Đảng, song không vì thế mà các đại biểu “dĩ hòa vi quý”, hoặc nể nang, né tránh. Trái lại những câu hỏi chất vấn trên nghị trường vẫn tạo ra “sức nóng”, “độ nặng”, với nhiều câu hỏi “xoáy” sâu vào trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành.

Những vấn đề được các đại biểu nêu ra cũng là những câu chuyện được cử tri và xã hội quan tâm, như chống dịch COVID-19; phát triển kinh tế, xã hội; phòng chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất và hệ quả của việc phá rừng, xây dựng thủy điện vừa và nhỏ…

Ngay cả những vụ việc mang tính cụ thể được các đại biểu nêu ra cũng là những vấn đề được nhiều người quan tâm- đó là vụ việc ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng; vụ ly hôn của vợ chồng Vua cà phê Trung Nguyên; vụ xây nhà 4 tầng hầm ở Ba Đình - Hà Nội, vụ phân bón Thuận Phong, hay đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông không biết bao giờ mới đưa vào sử dụng…?

Nhiều đại biểu cũng đã thể hiện sự đeo bám quyết liệt đối với việc thực hiện “lời hứa” mà các bộ trưởng, trưởng ngành đưa ra, song giải quyết còn nhiều hạn chế. Điển hình như việc chứng chỉ tin học, ngoại ngữ “hành” công chức, viên chức; việc nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài trong sinh viên, đồng bào dân tộc thiểu số và giải quyết việc làm…

Điều này khiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngỏ lời cảm ơn và khẳng định: “Các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực nghiên cứu, tham gia chất vấn, tranh luận với nhiều ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, thiết thực”.

Song do đây là cuộc “tái chất vấn” mang tính tổng hợp, nhiều nội dung được đề cập, lại “vắt” từ tuần trước (ngày 6/11) sang tuần sau (ngày 9,10/11) nên ít nhiều có cảm giác bị “ngắt quãng”, dàn trải, không đi được đến tận cùng vấn đề. Một số đại biểu khi chất vấn, thay vì nêu luôn câu hỏi lại “mải mê” giải thích, dẫn đến hết giờ, “mất quyền” đặt câu hỏi. Một số người trả lời cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, chưa làm rõ được trách nhiệm nên còn có ý kiến tranh luận, trao đổi lại.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sắp kết thúc, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang cận kề. Tới đây, nhiều người có thể sẽ rời ghế nghị trường, rời ghế bộ trưởng, trưởng ngành và thay vào đó là các gương mặt mới. Tuy nhiên, các chủ trương, chính sách và cả “lời hứa” của người tiền nhiệm luôn đòi hỏi phải có tính kế thừa.

Trong phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh, kết quả của phiên chất vấn hôm nay sẽ là cầu nối giữa hai khóa Quốc hội, chuyển tải những nỗ lực trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát.

Thực tế này thể hiện vai trò, chức năng của Quốc hội trong thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra của nhiệm kỳ khóa XIV, tạo động lực, khí thế mới để đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong nhiệm kỳ tiếp theo.             

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.