Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống, nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh, giúp giải tỏa ùn ứ giao thông liên tỉnh từ hướng Hải Phòng, Quảng Ninh đi các tỉnh Tây và Tây Bắc Hà Nội. Công trình này là hạng mục quan trọng nhất thuộc dự án Đường 5 kéo dài, là một trong 37 công trình trọng điểm của Hà Nội giai đoạn 2011-2015.
Cầu Đông Trù gồm 3 nhịp cầu đôi, bề rộng mặt cầu 54,5 m, có kết cấu nhịp liên tục, ứng dụng công nghệ vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Công trình có khả năng chịu được động đất cấp 8.
Khởi công năm 2006, cầu do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) thi công.
Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Đông Trù, ông Đặng Thanh Bình cho biết, phần trên của cầu gồm 3.000 tấn vòm thép, 94 dầm ngang, 176 dầm dọc, 2.324 phiến dầm bản và 2.400 khối bê tông nhồi trong vòm thép… Để lắp đặt những vòm thép này, đơn vị thi công phải sử dụng hệ thống kích nâng đa hành trình, để nâng vòm tới độ cao 42 m.
Mái vòm của nhịp chính giữa đang được sơn hoàn thiện. Những công nhân đảm nhận công việc này được treo lơ lửng trên không.
Anh Nguyễn Trọng Tùng và những công nhân khác tỉ mỉ mài các chân vòm.
Những phần cáp nối được công nhân siết chăt, cố định đảm bảo an toàn về kỹ thuật.
Thách thức lớn nhất trong quá trình lắp vòm, lao dầm là phải kiểm soát cao độ của đỉnh sườn vòm, lực căng cáp giằng và chuyển vị chân vòm.
Các công nhân bơm vữa vào dầm ngang.
Anh Nguyễn Khắc Ngọc, kỹ sư Xí nghiệp cầu 17, đo cao độ mặt cầu để cung cấp chính xác thông số kỹ thuật cho việc trải thảm mặt cầu, gồm hai lớp sỏi và nhựa đường.
Kết cấu phần dưới cầu Đông Trù là một trong những dấu ấn về công nghệ của dự án này, gồm 4 trụ, với 216 cọc khoan nhồi đường kính 2 m, độ sâu 40-60 m, thân trụ đặc.
Cầu Đông Trù đang được nỗ lực hoàn thiện trước ngày 30/9 để thử tải trước khi bàn giao cho Hà Nội.