Có giang hồ cộm cán bỗng chốc “mắc bệnh” tân thần phân liệt thể hoang tưởng ngay sau khi chi ra 85 triệu đồng!
Một lò sản xuất… bao cao su dởm vừa bị bắt giữ tại Hóc Môn (TPHCM). Tại đây, mỗi ngày hàng trăm bao cao su làm bằng tay từ keo dán xăm lốp ô tô được tung ra thị trường!
Bao cao su dởm liên quan gì đến bệnh…điên?
Có đấy. Tôi nghĩ, làm giả bao cao su cũng là một thể “rối loạn tâm thần” kỳ dị trong thời buổi kỳ dị này. Bởi đó là hành vi ngoài tầm suy nghĩ hay đoán trước của con người (dẫu biết sản phẩm có tiêu thụ được thì người ta mới đâm đầu vào làm). Trong tâm lý học có ngành “tâm lý học bất thường” (abnormal psychology), có lẽ nên mở rộng nghiên cứu về hành vi không điển hình kể trên.
Và các nhà tâm lý học hiện đại cũng đang mở rộng nghiên cứu lĩnh vực khá mới mẻ là “khoa học thần kinh xã hội”. Thiết nghĩ ở ta cũng nên nghiên cứu về “thần kinh xã hội” Việt Nam. Về những cơ chế liên quan đến việc thấu tỏ tâm trạng người khác, như cảm xúc, suy nghĩ, ý định, hành động, …, những thứ mà bây giờ khi tương tác với xã hội, đông đảo người Việt chúng ta thường rất khó…đoán trước!
Hôm qua, ngồi với anh bạn vừa vào Bệnh viện tâm thần thăm người quen về. Anh kể, thấy cảnh ông bác sĩ hoa chân múa tay nói liến thoắng, anh sợ quá chuồn mất. Chắc ông ấy mắc bệnh nghề nghiệp rồi cũng nên. Dễ lắm.
Hồi trước có dạo tôi rất thích viết bài về... điên. Nên chơi thân với các bác sĩ tâm thần. Có những bữa ở giữa những người điên, tôi bỗng hoang mang, bứt tóc xem mình với “họ”, ai mới... điên?!
Có lần viết về ngôi làng lắm người tâm thần. Một quan chức quê ở làng đó lập tức nghiến răng gọi điện “mi nói tau tâm thần phải không?!”.
Đọc đâu đó, rằng trong làng phải có một kẻ điên, thì người làng mới biết mình còn tỉnh. Tất nhiên với anh chàng điên ấy, thì cả làng mới là những kẻ “điên”. Người ngồi trên chiếc xe biết mình đang chạy, khi nhìn ra cảnh vật xung quanh. Phải có hệ quy chiếu để xác định. Nhưng ở xã hội ta bây giờ, loạn hệ quy chiếu rồi, phân xử cách nào đây?
Hệ quy chiếu nào cho ông “vua café” đang bị nhiều người cho là…”điên”? Ồn ào, tranh cãi không dứt. Ông ấy từng nói “Mọi công dân có quyền nghĩ lớn” trong một lần trả lời phỏng vấn đó thôi.
Kinh Phúc Âm ghi, “sự anh minh của loài người là điên rồ trong mắt Chúa, và sự hiền minh của Chúa là điên rồ trong mắt con người: đằng sau từ điên ẩn giấu từ siêu nghiệm” (dẫn theo Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, 1997).
Là một người viết, tôi không thích dùng từ “bị điên”. Nghe thụ động quá. Nếu có thể được, thì “tôi điên”, thế là đủ. Nhưng đời đâu có dễ chấp nhận “điên” vậy được! Dẫu vẫn dễ dàng bỏ tiền để mua một bệnh án điên.