Tàu số hiệu 55 hút cát ở địa phận suối Nước Đục, xã Ia Phí, huyện Chư Păh |
Thủy điện Ia Ly là một công trình trọng điểm quốc gia với công suất 720MW trên dòng Sê San chảy qua địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Tuy nhiên, thời điểm này PV Tiền Phong liên tục nhận được những cuộc gọi báo tin nạn “cát tặc” lộng hành, ngang nhiên, hoạt động rầm rộ để hút cát trái phép ở gần khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly (địa phận thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh).
Đi qua trụ sở Công an thị trấn Ia Ly vài trăm mét sẽ có một đường đất, đi khoảng 2 cây số sẽ chứng kiến hàng loạt bãi tập kết cát lộ ra. Lên kế hoạch, nhóm phóng viên được nguồn tin dẫn đi khảo sát địa hình, mật phục ở dọc bờ sông Sê San.
Đầu tháng 11, nhóm PV cải trang thành dân đi bắt cá để ghi nhận hoạt động ngang nhiên, bát nháo tại địa điểm này. Các ô tô tải ra vào chở cát như chốn không người. Chỉ vài giờ đồng hồ ghi nhận đã có hàng chục xe tải cỡ lớn ra vào chở cát.
Ô tô tải vận chuyển cát lậu về bãi tập kết ở thị trấn Ia Ly |
Sẩm tối 9/11, nhóm PV quyết định theo đuôi xe tải biển số 81M-4192 tới vận chuyển cát. “Đây là bãi của nhóm giang hồ trên Pleiku tới làm. Tàu vừa tới bờ là xe tải xuống nhận hàng. Đầy xe cái họ chở đi luôn chứ không tập kết nhiều. Nó hoạt động vậy chứ lại có kinh tế nhất”, nguồn tin nói.
Cát đầy thùng, xe tải biển số 81M-4192 di chuyển về hướng trung tâm, qua trụ sở UBND thị trấn Ia Ly chừng hai cây số là bãi tập kết của một người đàn ông tên Hải “cát”. Bãi cát của người này có cả hàng nghìn mét khối đang được tập kết từng đống. Nhiều đống cát mới chở về còn ướt nhẹp.
Hỏi mua cát, Hải “cát” nói giọng sang sảng: "Em lấy bao nhiêu, anh vừa chở hai xe dưới sông lên còn ướt sũng kìa, 140 nghìn/m3 nha. Lấy nhiều có bớt chút. Nói trước, cát không có hoá đơn. Vì tiền hoá đơn còn đắt hơn tiền cát nên cả khu này đây không ai xuất cho đâu”.
|
Chúng tôi trở lại địa điểm hút cát lậu vào sáng hôm sau khi hai con tàu hút cát vừa trở về, bơm cát vào bãi. Theo ghi nhận, tàu hút bơm tới đâu máy xúc san gạt tới đó. Con tàu số hiệu 55 màu đỏ có 4 người đàn ông khoẻ mạnh vận hành, hút, bơm cát.
Theo tìm hiểu, con tàu này được làm hơn 1 tỷ đồng có thể chứa được 50m3 cát. Cùng kích cỡ với tàu số hiệu 55, chỉ sau khoảng 30 phút, con tàu màu đen bên cạnh cũng bơm cát vào bãi cát của người đàn ông tên Mậu, sau đó tiếp tục đi hút cát.
Nhóm PV Tiền Phong quyết định theo đuôi con tàu số hiệu 55 tới địa điểm hút cát. Qua định vị, con tàu này hút cát tại địa phận suối Nước Đục (thuộc địa phận xã Ia Phí, huyện Chư Păh). Đây là khu vực suối chảy ra sông Sê San.
Sau nhiều ngày ghi nhận tư liệu, nhóm PV báo với UBND huyện Chư Păh để vào địa điểm này xác minh sự việc. Đoàn kiểm tra gồm đại diện Công an và cán bộ Phòng TN&MT huyện tới vào sáng 15/11. Lúc này, người đàn ông tên Thọ và một người phụ nữ tới giải thích: "Mình hút cát nằm trong toạ độ cho phép. Một ngày hút được có mấy chục khối. Khi hút được khoảng 10.000m3 cát sẽ báo cấp tỉnh để tổ chức đấu giá. Ở đây có khoảng 12 thuyền để hút cát".
Nhận tin báo của PV Tiền Phong, Công an và cán bộ Phòng TN&MT huyện tới hiện trường kiểm tra |
Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Xuân Dũng - Trưởng Phòng TN&MT huyện Chư Păh cho biết, hiện chưa có đơn vị nào đủ điều kiện để được khai thác ở hồ thuỷ điện Ia Ly. Bởi vậy, tất cả hành vi, hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực lòng hồ đều trái phép.
"Thời gian vừa qua có thông tin phản ảnh nhưng cũng khó bởi các đối tượng khai thác ở giờ cao điểm, đêm khuya. Trong khi đó, phương tiện kiểm tra của lực lượng chức năng cũng hạn chế, không ra được lòng hồ", ông Dũng nói.