Cát máu

TP - Cuộc giành và giữ cát trên phạm vi cả nước những ngày qua đã mang dáng dấp của một cuộc “chiến tranh tài nguyên”. Chỉ vì ngăn chặn dự án hút cát trên sông Cầu, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cùng nhiều cán bộ lãnh đạo bị nhắn tin đe dọa phải kêu cứu Thủ tướng. Đã có những ngôi làng tự dựng “trận địa” giữ cát một cách tuyệt vọng với vũ khí thời tiền sử.

Máu và mạng người cũng đã đổ. Trong khi cát vẫn ào ạt được xuất bán ra nước ngoài…

Theo số liệu thống kê của ngành Hải quan, trong vòng một thập kỷ qua đã có 67 triệu m3 cát được xuất khẩu riêng qua Singapore. Còn theo điều tra của báo chí, chỉ tính trong vòng 2 tháng đầu năm nay, gần 1 triệu m3 khối cát đã rời khỏi Việt Nam theo những con tàu khổng lồ. Chưa kể cát chui vào những công trình kỳ vĩ của công cuộc đô thị hóa đang rầm rộ khắp nơi. 

Báo Tiền Phong hôm qua kể, dân làng ở Yên Dũng (Bắc Giang) dùng vũ khí nguyên thuỷ để giữ cát sông Cầu. Đó là những thân tre được uốn thành những chiếc ná khổng lồ. Dây chun to như xăm xe đạp, đạn là những hòn đá bằng nắm đấm người lớn, bắn xa tới 30 mét. Xạ thủ là thanh niên, người già, trẻ con, thay nhau bỏ cơm trực chiến gác “trận địa” đánh đuổi tàu trộm cát.

Cảnh tượng như ở Yên Dũng đang diễn ra trên mọi dòng sông lớn nhỏ, bờ biển gần xa của đất nước. Trận địa giữ cát ấy là trận địa lòng dân. Lòng dân còn muốn níu giữ chút này, cho căn nhà, thửa ruộng, ngôi mộ tổ tiên khỏi thiên tai, bão lũ tàn phá, cuốn phăng. Đến khi “trận địa” ấy tan tác rồi thì còn gì nữa? Quê hương xứ sở này sẽ còn gì, sẽ trôi về đâu?

Kỳ thực, cát tặc cũng như lâm tặc, chủ yếu là dân lao động bần hàn vì miếng cơm mà phải đi làm thuê. Dân giữ cát, dân cướp cát, cũng đều khó nghèo lam lũ như nhau. Chỉ những kẻ phía sau, trên cao ngồi trong phòng lạnh, nhà hàng ký táng, bán mua với nhau bên những chai rượu ngàn đô, bữa tiệc xa hoa tiền tỷ, có khó điểm mặt lôi ra ánh sáng không mà sao vẫn cứ để nhởn nhơ khoác những chiếc mặt nạ đạo đức rao giảng? Dưới mọi lá bài “dự án” lắt léo.

“Hằng hà sa số” - nhiều như cát sông Hằng không tài nào đếm được - câu thành ngữ quen thuộc của nhà Phật. Nhưng hành tinh này trước nhu cầu bê tông hóa khủng khiếp, loài người đang đứng trước nguy cơ không còn cát để giữ thăng bằng môi sinh. Tất nhiên cát sa mạc không có giá trị sử dụng ngoài cát thu vét ở lòng sông, bờ biển.

Bãi biển Cửa Đại (Hội An) mấy năm qua đã bị sóng biển nuốt chửng, nay cát mới bồi lại mấy mét ai nấy đã mừng rớt nước mắt. Những nén nhang vẫn cháy đỏ ngày đêm nơi bãi biển cầu xin cát đừng đi. Sớm nọ nơi Cửa Đại, tôi chứng kiến những vị lãnh đạo địa phương thành kính thắp trên nền cát mới những nén tâm hương như thay lời tạ ơn trời biển đã trả cát về…

Thường nghe nói cát mặn. Nhưng bây giờ cát đang pha vị mặn của máu. Dòng máu tài nguyên trên cơ thể đất nước đang ròng rã chảy mà chưa có phương thức hữu hiệu nào để băng bó, cầm giữ.

MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.