Cục Đường thủy nội địa 'qua mặt' Bắc Ninh?

Người dân xã Quế Tân (Quế Võ) chỉ ra đoạn sông Cầu cách đây chục ngày có vài chục tàu hút cát trái phép. Ảnh: Trường Phong.
Người dân xã Quế Tân (Quế Võ) chỉ ra đoạn sông Cầu cách đây chục ngày có vài chục tàu hút cát trái phép. Ảnh: Trường Phong.
TP - “Đến nay, chúng tôi đã lập chuyên án, thành lập ban chỉ đạo để chỉ đạo đấu tranh, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật này. Tinh thần là sẽ xử lý nghiêm minh khi làm rõ được các đối tượng”, Thượng tá Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Chiều 16/3, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về công văn 55/UBND-NN.TT liên quan dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu cũng như việc Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh cùng một số lãnh đạo sở ngành, địa phương bị đe dọa. Buổi họp do ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chủ trì cùng đại diện một số sở, ngành.

VnExpress: Sáng nay, chúng tôi xuống hiện trường, người dân cho biết cách đây mấy ngày có 20 - 40 tàu hút cát cả ngày lẫn đêm nhưng không có lực lượng chức năng ngăn cản. Bắc Ninh có giải pháp gì để ngăn chặn?

Ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh: Cách đây mấy năm, tỉnh cũng thành lập đội phản ứng nhanh, ở các huyện cũng vậy. Hiện trên địa bàn huyện Quế Võ có hơn 60 tàu tập trung tại các khu vực xã Việt Thống, Quế Tân, Phù Lãng. Trên cơ sở UBND tỉnh Bắc Giang đồng ý, do vậy người ta cứ đỗ thuyền ở giữa sông, giáp ranh với địa bàn tỉnh Bắc Giang. Nhân dân rất bức xúc, có những lúc tàu dạt xuống, cắm ở đâu hút cát người dân cũng không thể biết được. UBND huyện Quế Võ yêu cầu các đơn vị liên quan và 9 xã thành lập tổ công tác 84 người. Số lượng người rất đông, tuy vậy, điều kiện để tổ chức thực hiện ở địa phương không đáp ứng được yêu cầu đó.

Riêng việc kiểm tra kết quả đo trên sông, sau khi UBND tỉnh có văn bản và Bộ GTVT giao cho Cục đường Thủy nội địa phối hợp với  UBND tỉnh Bắc Ninh tiến hành làm rõ, đi đo kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, toàn bộ máy móc là của Cục và kết quả kiểm tra cũng không gửi cho UBND tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh biết mà chỉ gửi Bộ GTVT. Chính vì vậy, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở GTVT đi kiểm tra tại các điểm này. Theo phân cấp tại Thông tư 36, sông Cầu chỉ là sông cấp 3 thì chiều sâu mực nước tối thiểu cần là 2,8 mét vẫn đảm bảo cho tàu dưới 300 tấn đi lại được. Tỉnh Bắc Ninh cũng cam kết nếu tàu nào mắc cạn tỉnh sẽ bỏ kinh phí ứng cứu. Về thiệt hại thì chúng tôi cũng có báo cáo rồi, Bắc Ninh đã phải bỏ 30 tỷ đồng để khắc phục sự cố sụt lún bờ đê. Hiện dự án này vẫn đang được thực hiện.

Tuổi trẻ: Vì sao trong dự án nêu số phương tiện thi công là 5 tàu hút và 4 tàu chở hàng, nhưng số lượng thực tế lại là hơn 60 chiếc tàu làm việc tại đây? Có hay không việc núp bóng chủ đầu tư để  nạo vét sông, khai thác cát?

Ông Trịnh Hữu Hùng: Về thẩm quyền, tỉnh Bắc Ninh không có quyền để kiểm soát họ nhưng qua xác minh thì các tàu này đều có đăng ký với chủ dự án tại phạm vi thực hiện dự án.

Thanh niên: Dự án được làm từ năm 2014, có thông tin năm 2015, Bắc Ninh và Bắc Giang đồng ý thực hiện. Trong thời gian thực hiện đó thì giám sát, tận thu khoáng sản như thế nào và số tiền thu được là bao nhiêu?

Ông Đàm Đình Định, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Ninh: Đến giờ phút này chúng tôi khẳng định, từ mùa cạn 2014 đến nay, Cty trục vớt Hạ lưu không tiến hành, cũng không được phép tiến hành nạo vét trên địa bàn Bắc Ninh. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư và chủ thi công phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật. Sau khi Cty trục vớt Hạ lưu thực hiện đầy đủ thủ tục thì chúng tôi mới trình UBND tỉnh. Thời điểm trình vào mùa cạn năm 2014. Khi trình có giấy phép thì lại đến thời gian cấm, cho nên việc thi công trên địa bàn Bắc Ninh là không xảy ra. Do vậy từ mùa cạn 2014 đến nay Bắc Ninh không cấp phép và đơn vị này cũng không hoạt động nạo vét trên địa bàn Bắc Ninh.

Tuổi trẻ: Cục đường thủy nội địa thông tin, chủ đầu tư đã có văn bản tạm dừng dự án này và đã được Cục chấp thuận từ 8/3, Bắc Ninh có biết hay không?

Ông Trịnh Hữu Hùng: Riêng về nội dung này thì tỉnh Bắc Ninh chưa nhận được. Và tôi nói thêm là các văn bản trước của Cục đường thủy nội địa thì Cục gửi cho bộ GTVT cũng không gửi cho tỉnh Bắc Ninh để thống nhất nội dung đo đạc. Như các phóng viên nói là Cục có văn bản tạm dừng hoạt động nhưng hiện nay tỉnh chưa nhận được. Không biết văn bản đó các anh ấy gửi cho ai. Chúng tôi không nắm được.

Cục Đường thủy nội địa 'qua mặt' Bắc Ninh? ảnh 1

Ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh trả lời câu hỏi của phóng viên.

Lập chuyên án điều tra việc đe dọa

Tiền Phong: Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết cơ sở để gửi công văn số 55 lên Thủ tướng Chính phủ để yêu cầu điều tra, làm rõ việc bảo kê từ T.Ư đến địa phương, nhắn tin đe dọa lãnh đạo tỉnh và một số lãnh đạo sở, ngành, địa phương? Nội dung đe dọa là gì?

Thượng tá Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh: Xuất phát từ thái độ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc đấu tranh rất quyết liệt với các hành vi khai thác cát trên địa bàn và các hành vi núp bóng hoạt động khơi thông luồng lạch để khai thác cát trái phép một cách bừa bãi, gây nguy cơ mất an toàn, an ninh về đê điều, nhất là trong mùa mưa bão nên có văn bản đó. Từ đó thì xuất hiện đối tượng có hành vi nhắn tin đe dọa đối với đồng chí chủ tịch UBND tỉnh và một số cán bộ một số sở ban ngành.

Ngay sau khi có thông tin thì lực lượng công an đã tiếp cận và được Chủ tịch UBND tỉnh cũng như một số cán bộ nhận được tin nhắn chuyển giao các tài liệu đó. Hiện nay, ban thường vụ Đảng ủy công an tỉnh, giám đốc công an tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo tập trung lực lượng, huy động phương tiện, các biện pháp nghiệp vụ để triển khai, xác minh làm rõ. Đến nay, chúng tôi đã xác lập chuyên án tổ chức đấu tranh, thành lập ban chỉ đạo để chỉ đạo đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật để xử lý trước pháp luật. Và tinh thần là sẽ xử lý nghiêm minh khi làm rõ được các đối tượng. Phóng viên có đề nghị cho biết nội dung đe dọa, nhưng vì đây là tài liệu nghiệp vụ mà chúng tôi phải tiếp tục xác minh, làm rõ nên rất mong báo chí chia sẻ. Khi nào chúng tôi làm rõ xong thì sẽ chuyển giao thông tin chính thức.

Thanh niên: Việc Bắc Giang cho nạo vét nhưng Bắc Ninh không cho phép thì có thể hiểu là luồng tuyến đang được nạo vét một nửa. Như vậy thì hiệu quả, hiệu lực với giao thông của các phương tiện trên sông Cầu như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh: Sông Cầu không rộng, không phải do địa phương quản lý mà do T.Ư quản lý và cụ thể là Bộ GTVT quản lý và giao cho Cục đường thủy nội địa quản lý theo phân cấp. Về kết quả kiểm tra các phương tiện, như hiện tại thì các phương tiện tham gia giao thông bình thường, không ảnh hưởng gì và cũng đảm bảo độ sâu, không cần phải nạo vét.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành: Bắc Ninh có 3 con sông chảy qua là sông Đuống, sông Cầu, sông Thương. Vì thế có chuyện lợi dụng khai thác cát không phép diễn ra rất phổ biến và công khai, rất phức tạp. Và chính cái đó làm cho nhân dân ở các vùng ven sông rất bức xúc. Nếu như chính quyền các cấp không quyết liệt như tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thì tôi nghĩ rằng chuyện khai thác cát trộm của các đối tượng này rất bức xúc, rất ảnh hưởng đến các công trình phòng chống thiên tai.

Bắc Ninh mạnh tay với “cát tặc”

Chiều 13/3, công an huyện Quế Võ và Đội cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh Bắc Ninh) kịp thời phát hiện và bắt giữ 2 tàu hút cát trái phép trên tuyến sông Đuống thuộc địa phận thôn Vũ Dương, xã Bồng Lai, huyện Quế Võ. Hai tàu có ký hiệu BG 0472 và BG 0484 do Nguyễn Văn Chiến (SN 1966)  và Nguyễn Xuân Tuyến (SN 1976) cùng ở thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).

Trước đó, ngày 10/3, công an huyện Lương Tài phát hiện và bắt quả tang 4 tàu có trọng tải 80 - 120 tấn đang hút cát trái phép trên tuyến sông Thái Bình, thuộc địa bàn thôn Cáp Thủy, xã An Thịnh  (Lương Tài). Bước đầu tiến hành điều tra, 4 chủ tàu khai báo gồm: Vũ Huy Tính, sinh năm 1989, thôn Cáp Trại, xã Trung Kênh, Lương Tài chủ tàu BKS BN 0507 và 3 chủ tầu đều ở Khu 5, thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương là: Cao Văn Hứa, sinh năm 1989, chủ tàu BKS HD 1985; Vũ Văn Phong, sinh năm 1991, chủ tàu BKS 6886 và Đào Văn Thú, sinh năm 1981, chủ tàu sắt không biển kiểm soát. Các đối tượng này đều không xuất trình được giấy tờ tùy thân cũng như phương tiện. 

Nguyễn Trường - Trường Phong

Bắc Giang dừng nạo vét sông Cầu

Trao đổi với PV Tiền Phong tối 16/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, dự án đã được dừng thực hiện theo yêu cầu của Bộ GTVT. “Quan điểm của tỉnh là ủng hộ Bắc Ninh”, ông Linh nói.  

Chiều 16/3, phóng viên Tiền Phong tìm về địa bàn xã Quế Tân (Quế Võ, Bắc Ninh). Trao đổi với phóng viên, một người dân ở thôn Xuân Thủy, xã Quế Tân, huyện Quế Võ bức xúc: “Cách đây khoảng 1 tuần, trên khúc sông này có khoảng bốn chục chiếc tàu hút cát suốt ngày đêm ở đây. Người dân chúng tôi không sao ngủ được. Chúng tôi chỉ biết là bên Bắc Giang cho phép nạo vét còn Bắc Ninh thì không. Nhưng làm sao mà biết được họ làm gì? Họ cứ cắm ống hút xuống phía dưới ấy, ai biết là ở bên nào?” Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tiền phong tối 16/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết: Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, dự án đã được dừng thực hiện theo yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải. “Quan điểm của tỉnh là ủng hộ Bắc Ninh”, ông Linh nói. 

Trong diễn biến liên quan, tại cuộc họp thông tin báo chí chiều 16/3, UBND tỉnh Bắc Ninh cung cấp nhiều tài liệu, trong đó có các văn bản của Bộ TN&MT đề nghị dừng dự án nạo vét sông Cầu. 

MỚI - NÓNG