Cắt lông đuôi voi: Nghi lễ chưa từng có trong luật tục

Những con voi bị cưa ngà, cắt lông đuôi
Những con voi bị cưa ngà, cắt lông đuôi
TP - Chỉ vì mê tín rằng lông đuôi voi có thể đem lại may mắn, hạnh phúc cho người sở hữu… mà những người xấu nhẫn tâm nhổ trộm, chặt đuôi, thậm chí giết hại những con voi quý giá. Nhằm bảo vệ tính mạng cho voi, chủ voi đành ngậm ngùi, xót xa hành lễ cắt lông đuôi voi, loại nghi thức chưa từng có trong luật tục của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

 >> Giá nào cho những chiếc đuôi voi?

Những con voi bị cưa ngà, cắt lông đuôi
Những con voi bị cưa ngà, cắt lông đuôi.

Nước mắt voi

Đến với Tây Nguyên, đa số các du khách mong muốn ít nhất được một lần cưỡi voi để nếm trải cảm giác lạ khi dạo chơi ngắm danh lam thắng cảnh. Nhưng khi mục sở thị đàn voi phục vụ du khách, không ít người xót xa thương cảm vì đuôi voi không còn chiếc lông nào.

Đàn voi nhà của tỉnh Đăk Lăk nay chỉ còn chừng năm chục con, tập trung chủ yếu ở các huyện: Ea Súp, Buôn Đôn, Lăk và có nguy cơ bị “xóa sổ” trong khoảng mươi năm tới. Dự án bảo tồn voi trị giá 61 tỷ đồng của tỉnh Đăk Lăk hiện vẫn chờ nguồn tiền ngân sách rót về để triển khai ngay vào đầu năm Tân Mão.

Hỏi ra mới biết, chỉ vì tin lông voi có thể mang lại may mắn nên đuôi voi thường bị nhổ trộm đến trụi hết lông. Tại Đăk Lăk hiện nay, tất cả các voi nhà đều không còn sợi lông đuôi nào. Nhiều con còn bị kẻ xấu chặt đuôi. Chùm đuôi dài đẹp thường phe phẩy như chiếc quạt đuổi muỗi chỉ còn cụt lủn đỏ hỏn như khúc thịt biết ngọ nguậy.

Sau vấn nạn voi bị giết để trộm ngà, nay đàn voi Tây Nguyên lại đối mặt với nạn trộm lông đuôi voi. Truyền thuyết xa xưa kể lại: “Có đôi trai gái yêu nhau say đắm nhưng không lấy nhau được vì mâu thuẫn giữa hai làng, họ bèn cậy thần Nguăch Ngual cứu giúp. Thần tặng cho một chiếc lông đuôi voi, dặn đi đâu cũng mang theo sẽ gặp nhiều may mắn. Đôi trẻ vâng lời, lần lượt vượt qua mọi trở ngại, được sống bên nhau tới đầu bạc răng long”.

Hiện tại, lông đuôi voi được bày bán một cách công khai, tràn lan tại các tiệm kim hoàn, các khu du lịch. Chỉ cần có tiền là có lông đuôi voi. Nhiều người đeo nhẫn, lắc tay để cầu mong được hạnh phúc, may mắn… nhưng không hề biết đến những thứ mình đang đeo được “đánh đổi” từ sự đau khổ, nước mắt của voi và chủ tượng.

Ngày cũng như đêm, sự sống của hàng chục con voi vô tội luôn bị rình rập, đe dọa gây tội ác. Gần đây, việc chú voi Păk Kú ở Buôn Đôn bị chết với hàng trăm vết chém ngang dọc trên mình khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.

Không phú quý, cũng đành sinh lễ nghĩa

“Trước đây, lông đuôi voi thường chỉ được dùng trong các lễ cưới để mang lại may mắn, hạnh phúc cho các cặp vợ chồng nên người ta chỉ lấy một vài sợi thôi. Vì thế, nghi lễ cắt lông đuôi voi chưa hề có trong luật tục của người M’Nông cũng như một số dân tộc khác. Để bảo vệ tính mạng, an toàn cho voi trước thực trạng trộm, chặt đuôi nên mới có nghi lễ cắt lông đuôi voi, thực ra đó là biến tấu từ nghi lễ cắt ngà voi.

Đuôi voi có tác dụng như cái vĩ đập ruồi muỗi và côn trùng, việc voi không còn lông đuôi không những gây tổn hại đến tuổi thọ của voi, mà còn ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của người dân”, ông Đàng Năng Long, đồng sở hữu đàn voi 9 con của gia tộc họ Đàng ở thị trấn Liên Sơn, vừa nhậm chức Giám đốc Khu du lịch hồ Lăk, cho biết.

Voi H’Tuk từng bị trộm chặt đứt đuôi đang tắm
Voi H’Tuk từng bị trộm chặt đứt đuôi đang tắm .

Theo Luật tục M’Nông, để cắt ngà voi trước hết phải làm lễ cúng thần voi Nguăch Ngual. Thầy cúng khấn rằng: “Ta thưa với thần Nguăch Ngual/Xin Thần cho phép ta cắt ngà/Răng dài có quyền cưa, ngà dài có quyền cắt/Đừng khiến con voi buồn tủi/Đừng khiến con voi gầy ốm/Giúp ta cắt cho đúng chỗ/Cắt một ngà mọc lại một ngà/Cắt hai ngà mọc lại hai ngà/Khiến ngà mọc lại thật nhanh/Trong một tháng mọc dài một gang/Trong một năm mọc dài một hắt …” (hắt: khoảng 50cm-PV).

" Trước lễ cúng cắt lông đuôi voi một ngày, chủ voi không được quên lấy một bát gạo và thắp một cây nến để khấn xin thần voi cho phép được cắt lông." - Bà H’Ang Jơ Pam người dân tộc M’Nông.

Do chưa từng được đề cập đến trong luật tục của dân làng nên nghi lễ cắt lông đuôi voi cũng được tiến hành theo nghi lễ cắt ngà voi. Lời khấn được cải biến thành : “…Xin Thần cho phép ta cắt lông đuôi/ Răng dài có quyền cưa, lông dài có quyền cắt…/ Cắt một sợi mọc lại một sợi/ Cắt hai sợi mọc lại hai sợi/ Khiến lông mọc lại thật nhanh…

Bà H’Ang Jơ Pam người dân tộc M’Nông, trú tại thị trấn Liên Sơn, người kế tục nghề nuôi voi gia truyền giãi bày: “Voi được thương như một thành viên của gia đình, tôn trọng như một vị thần linh. Voi cũng có suy nghĩ, cũng biết nghe tiếng người nên mình làm gì, lấy cái gì của voi thì phải tri ân bằng lễ vật xứng đáng. Lớn thì cúng trâu bò, nhẹ thì cúng heo và rượu cần.

Đầu tiên phải cúng thần đất, tiếp đến cúng tổ tiên và cầu mong sức khỏe cho mọi người trong gia đình, cuối cùng là cúng tạ thần Nguăch Ngual. Khi làm lễ cúng cắt lông đuôi voi thì chủ voi mời người thân, xóm giềng và các chủ voi gần xa cưỡi voi đến dự, chứng kiến. Đối với những kẻ trộm xâm hại đến voi, có tội với thần linh thì sẽ bị trừng phạt nặng, nếu không gặp tai họa thì cũng nghèo mạt kiếp”.

Ông Y Pren Drang, phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lăk khẳng định: “Đối với cộng đồng dân tộc M’Nông, voi được xem như vị thần và thành viên trong gia đình. Nếu voi không may bị chết thì người nhà sẽ vô cùng đau buồn, họ làm đám ma cho voi như đối với con người.

Theo tập tục trước đây, tội ăn trộm sẽ bị phạt nặng, thậm chí kẻ trộm phải làm nô lệ hoặc phụ thuộc dòng họ đó. Mỗi con voi là cả một tài sản lớn của gia tộc, phải mua hoặc đổi ngang giá trị 15 đến 30 con trâu mới được quyền làm chủ ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG