Cắt đi nước ngoài, bớt lễ lạt để tăng lương

Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh. Ảnh: Dũng Nguyễn.
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh. Ảnh: Dũng Nguyễn.
TP - Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, kế hoạch phát triển 2016, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện đồng bộ các biện pháp tiết kiệm như cắt các khoản chi tiếp khách, sơ kết, kỷ niệm ngành, đi nước ngoài… để có tiền mà tăng lương, bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân viên.

Cắt chi để tăng lương

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, nguồn lực trong nước năm 2016 rất khó khăn. “Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy ngân sách 2016 tăng 60.700 tỷ đồng, một con số rất vui, nhưng đây chỉ là phần tăng “nghiệp vụ”, còn số tuyệt đối năm nay hụt so với năm ngoái”. 

Theo Bộ trưởng Vinh, ngân sách Trung ương tuy vẫn là 124.000 tỷ đồng, nhưng có những phần không thể điều tiết được, đã có sẵn mục chi hết rồi. Bộ trưởng Vinh dẫn dụ tiền thu từ đất từ 37.000 tỷ đồng, giờ nâng lên thành 50.000 tỷ đồng nhưng địa phương nào thu được địa phương đó dùng, không điều tiết cho tỉnh khác. Hoặc như xổ số kiến thiết 26.000 tỷ đồng nhưng tỉnh lại được giữ lại 100%.

“Trừ tất cả những khoản đó đi, phần bố trí cho chương trình nọ, chương trình kia chỉ còn khoảng 45.000 tỷ đồng, bao gồm cả chi đầu tư cho các bộ, các địa phương và trả nợ xây dựng cơ bản. Con số này vô cùng nhỏ bé, nguồn để đầu tư mới không còn nhiều, trong khi đó nhu cầu chi lại rất lớn”, ông Vinh phân trần.

“Tôi không ủng hộ giải pháp bán cổ phần nhà nước tại các DN để “hòa” vào cân đối ngân sách. Nếu “hòa” kiểu này, nước lên thuyền lên là chúng ta mất hết tài sản. Tôi đã đề nghị cách đây hai năm rồi, tất cả số tiền bán cổ phần có được đầu tư vào đâu phải có địa chỉ cụ thể và được QH duyệt”.

 ĐB Trần Du Lịch

Đề cập đến vấn đề ngân sách, theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), điều đáng lo nhất là tình trạng đi vay nhưng cuối cùng thu chỉ đủ chi thường xuyên, còn vốn đầu tư đi vay hết. Tuy nhiên, ĐB Lịch không ủng hộ giải pháp bán cổ phần nhà nước tại các DN để “hòa” vào cân đối ngân sách. Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch ủng hộ việc phát hành trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại khoản nợ và không làm tăng nợ, cũng không làm mất cân đối ngoại tệ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nếu tăng lương cơ sở mà ngân sách không cân đối được thì lại phải đi vay, dẫn tới nợ công tăng lên. “Về lâu dài phải tìm ra các biện pháp cải cách tiền lương toàn diện.

 Không chỉ là nâng lương cơ sở mà quan trọng là cải cách hệ thống thang bảng lương, để làm sao tiền lương đúng ý nghĩa là đòn bẩy tăng năng suất lao động”, ông Lợi đề nghị. ĐB Trần Du Lịch thì đề nghị mạnh dạn cắt các khoản chi tiếp khách, sơ kết, kỷ niệm ngành, đi nước ngoài… để tăng lương. “Chúng ta đừng biến chuyện đi nghiên cứu, đi học hỏi kinh nghiệm thành đi du lịch nhà nước trả tiền. Quốc hội phải mạnh dạn cắt bỏ thì mới có tiền dôi ra để giải quyết việc lớn”, ĐB Lịch đề nghị.

Báo động việc lập dự toán dư vốn lớn

Đề cập đến việc dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên dư vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đến 14 nghìn tỷ đồng, ĐB Bùi Tiến Sinh (Hòa Bình) bức xúc, TPCP vay là phải trả lãi. Nhưng lập dự toán thế nào mà lại để dư đến 14 nghìn tỷ đồng. 

“Vay lại không tiêu để rồi cứ phải trả lãi là không phù hợp”, ông Sinh nói. ĐB Bùi Thế Cường (Hưng Yên) cũng cho rằng, việc dư đến 14 nghìn tỷ đồng chính là biểu hiện của sự lãng phí trong xây dựng hạ tầng. Ông Cường đề nghị cần đánh giá đúng việc sử dụng vốn dư QL 1A và đường Hồ Chí Minh, làm rõ trách nhiệm của cơ quan thẩm định và phê duyệt dự án này.

ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cũng khẳng định “đây là việc không bình thường”. Theo phản ánh của ông Tiếp, tình trạng dư vốn của hai công trình trên không phải là hiện tượng cá biệt, mà nhiều công trình khác cũng thế. “Cứ làm dự toán cho vốn lớn lên để rồi cuối cùng dư vốn. Đây là hiện tượng không bình thường, hết sức đáng báo động, chúng ta cần phải phân tích, đánh giá kỹ. 

Vì việc phát hành TPCP tạo áp lực lên nợ công cho quốc gia rất lớn”, ông Tiếp nói và đề nghị phải kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của những người lập dự toán. “Tôi đề nghị Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH phải vào cuộc,  làm rõ việc dư trên để phê phán, đánh động tình hình chung của đất nước chúng ta”, ông Tiếp nói và bảy tỏ sự không tán thành với phương án chuyển 14 nghìn tỷ đồng dư trên sang các dự án khác mà nên dùng nguồn để giảm nợ công xuống.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cũng khẳng định, việc dự án dư vốn đến 23% chứng tỏ công tác lập dự toán chưa sát, cần phân tích làm rõ. “Tiền còn dư hãy hoàn thiện đường Hồ Chí Minh trước đã  rồi hãy tính làm việc khác”, ông Tỉnh đề nghị.

Chất lượng cán bộ: Rất đáng lo!

Đánh giá yếu tố con người trong tổ chức bộ máy mang tính chất quyết định đến sự phát triển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, vấn đề quy hoạch cán bộ là cái được nhất trong thời gian qua. Công tác cán bộ đã dần đi vào nề nếp, bài bản, tuy nhiên theo ĐB Quyền, kết quả đạt được cũng chỉ là bước đầu. “Cử tri nói chọn được người có tài, có đức vào bộ máy nhà nước, từ lý thuyết đến hiện thực là khoảng cách rất xa”, ĐB Quyền bày tỏ.

“Vấn đề bổ nhiệm, xử lý vi phạm đã tương xứng chưa? Qua nhiều năm công tác, đến nay cũng đã sắp nghỉ hưu, tôi thấy chất lượng cán bộ là điều rất đáng lo. Có lần tôi chấm thi chuyên viên cao cấp, thấy ngay cả người đứng đầu ngành, đứng đầu tỉnh, vụ trưởng, vụ phó mà chất lượng, trình độ rất đáng lo ngại”. 

ĐB Nguyễn Đình Quyền

Ông Quyền đề nghị cần phải đánh giá một cách toàn diện, khách quan hơn về năng lực trách nhiệm của cán bộ công chức trong cả hệ thống chính trị. “Vấn đề bổ nhiệm, xử lý vi phạm đã tương xứng chưa? Qua nhiều năm công tác, đến nay cũng đã sắp nghỉ hưu rồi, tôi thấy chất lượng cán bộ là điều rất đáng lo. Có lần tôi chấm thi chuyên viên cao cấp, thấy ngay cả người đứng đầu ngành, đứng đầu tỉnh, vụ trưởng, vụ phó mà chất lượng, trình độ rất đáng lo ngại”, ĐB Quyền bày tỏ.

Để nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị phải luật hóa quyền hạn của người đứng đầu. ĐB An nói: “Những cái được có khi người đứng đầu được, nhưng hễ xảy ra chuyện gì lại đổ do cấp phó, cấp dưới. Như vậy là không công bằng. Cần phải đưa vào luật, quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm đầu tiên”. 

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, cần phải có giải pháp để nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính bởi càng ngày càng thể hiện không nghiêm. “ Khai thác cát chỉ ở một xã, phường mà Phó Thủ tướng phải ra trực tiếp thị sát, chỉ đạo. 

Tòa nhà 8B Lê Trực gần đây cũng thế, giám sát ở đâu để bây giờ xây cao rồi mới tính đến chuyện phá. Nhà các anh đổ một xe cát là trật tự đô thị đến ngay, xử lý ngay. Ở đây chắc có vấn đề gì đó nên họ mới làm ngơ. Nói thật với các đồng chí nhân dân hoài nghi về hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lắm”, ông Sinh nói.

MỚI - NÓNG