Cấp phép nhà ống: 'Bỏ quên' tiêu chuẩn phòng cháy

0:00 / 0:00
0:00
Vụ cháy nhà ống xảy ra rạng sáng 4/4 khiến 4 người trong gia đình thiệt mạng.
Vụ cháy nhà ống xảy ra rạng sáng 4/4 khiến 4 người trong gia đình thiệt mạng.
TPO - Loại hình nhà ống tại các khu dân cư đông đúc ở Thủ đô đang chiếm số lượng rất lớn. Tuy nhiên, việc cấp phép cho những dạng nhà như thế này hiện chưa quan tâm đến tiêu chuẩn phòng chống cháy nổ. Như vậy, người dân sẽ phải tự có những kỹ năng phòng ngừa rủi ro khi xảy ra cháy nổ.

Vụ cháy ở số nhà 311 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc thương tâm do nhà ống không có lối thoát hiểm. Trước đó, vụ cháy nhà ống 4 tầng nằm trong ngõ 41 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng cũng đã khiến 2 người chết bởi nhà không có lối thoát hiểm.

Trên phố Tôn Đức Thắng, không kể những căn nhà trong ngõ, các căn nhà mặt đường đa số đều được xây dựng theo dạng ống, nằm san sát nhau. Tương tự, dọc các tuyến phố đông dân cư như Khâm Thiên, Xã Đàn (quận Đống Đa), Bạch Mai, Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị, Minh Khai, Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng), Thái Hà, Thái Thịnh (quận Đông Đa)… những căn nhà ống san sát nhau lên đến hàng nghìn căn vẫn là đặc trưng của các tuyến đường này.

Đặc điểm của dạng nhà này là chỉ có một lối thoát hiểm từ cửa chính ra vào tầng 1, các tầng khác đa số đều được gia cố bằng các song sắt kiên cố chống trộm. Tình trạng buông lỏng quản lý trật tự xây dựng tại nhiều tuyến phố diễn ra nhức nhối, nhiều gia đình cho thuê biển quảng cáo bịt kín toàn bộ mặt tiền căn nhà, ốp kính mặt ngoài kiên cố, làm lồng sắt kín...dẫn đến rất khó thoát nạn khi nhà bị cháy.

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn, Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong năm 2020, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 411 vụ cháy, làm 6 người chết, 25 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính trên 30 tỷ đồng. Trong đó, các vụ cháy nhà ống trong phố chiếm khá nhiều, các gia đình kết hợp nhà ở và kinh doanh hoặc các chủ cơ sở kho xưởng vẫn chưa nhận thức sâu sắc việc cháy, nổ nên còn cẩu thả trong việc thực hiện quy định về PCCC.

Về việc phòng chống cháy nổ trong những ngôi nhà ống, Cảnh sát PCCC khuyến cáo các gia đình nên lắp đặt thiết bị báo cháy trong nhà để phát hiện đám cháy sớm. Bên cạnh đó, cần chủ động mở các lối thoát hiểm ở ban công, trên mái; các hộ liền kề nên thống nhất để tạo các lối thoát hiểm thoáng trợ giúp nhau khi xảy ra cháy. Để bảo đảm an toàn, tại mỗi tầng ít nhất có một ban công thông thoáng, không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can. Nếu có thì làm cửa có khóa, để khóa ở nơi dễ nhìn.

KTS Nguyễn Trần Anh Tuấn, Cty FD Architect cho biết thêm, hiện nay, việc cấp phép xây dựng nhà riêng lẻ "bỏ quên" quy định về an toàn cháy nổ. Hồ sơ xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ chỉ quản lý tiêu chuẩn xây dựng, mật độ, chiều cao, khoảng lùi, chỉ giới... Do đó, việc PCCC ở nhà ống hay nhà chung cư cũ ở Hà Nội rất cần sự hiểu biết của người dân. Cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn, tập huấn cho toàn bộ người dân để phản ứng kịp thời khi xảy ra cháy nổ.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì khuyến cáo, nhà ở riêng lẻ mặt đất khi thiết kế nên có giếng trời. Thiết kế này sẽ giúp nhà thông thoáng, khi xảy ra cháy nổ khói độc sẽ thoát bớt ra ngoài.

MỚI - NÓNG