Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ phí 'chát': Phải minh bạch cách tính giá

Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đang thi công sửa chữa. Ảnh chụp chiều 6/5. Ảnh: Như Ý.
Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đang thi công sửa chữa. Ảnh chụp chiều 6/5. Ảnh: Như Ý.
TP - Vì sao tuyến đường cửa ngõ Thủ đô chỉ nâng cấp lại có mức phí cao chót vót? Những tuyến đường nào sẽ được làm BOT? Đó là những câu hỏi liên quan tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội) sắp được thu phí từ ngày 30/6 này.

Sửa đường lại thu phí như làm mới

Chiều 6/5, trao đổi với PV Tiền Phong, Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi giải thích: Phương án liên quan đến thời gian thực hiện dự án, mức thu phí và thời gian thu phí được bộ chủ quản xác định với chủ đầu tư. “Mức thu cao thì thời gian thu giảm và ngược lại. Cơ quan chủ quản và nhà đầu tư tính toán mức thu và thời gian thu hợp lý để nhà đầu tư thu hồi vốn. Tất cả vấn đề này đều nằm trong hợp đồng BOT đã ký và phù hợp với các quy định liên quan”, ông Thi khẳng định.

“Tôi khẳng định luôn là không có chuyện doanh nghiệp chuẩn bị thông tư cho Bộ Tài chính. Tất cả đều căn cứ văn bản đề xuất của bộ chủ quản (Bộ GTVT). Còn mức thu căn cứ vào hợp đồng BOT đã ký và Nghị định của Chính phủ”.

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính)       

Ông Thi giải thích thêm, dự án BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có 2 giai đoạn: Nâng cấp mặt đường để xe lưu thông đạt tới tốc độ 100km/h và sau đó mở rộng thêm 1 làn nữa để nâng tốc độ lên. Mức thu dự án này do bộ chủ quản (Bộ GTVT) đề xuất. Theo Pháp lệnh Phí và lệ phí, trách nhiệm của Bộ Tài chính ban hành thông tư quy định mức thu dựa trên đề nghị của bộ chủ quản. Chỉ khi phát hiện có vấn đề, Bộ Tài chính mới có ý kiến.

“Các hợp đồng dự án BOT đàm phán hằng năm trời, các bộ đã tính toán, lập luận và giải trình trước đó. Bộ Tài chính là cơ quan cuối cùng ban hành thông tư để thu phí theo đúng quy định”, ông Thi cho hay. Vị này khẳng định thêm mức thu phí tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ không vượt mức thu quy định trong Thông tư 159 (2013) của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ. Ngoài ra, trước khi ban hành thông tư cũng đã nghiên cứu đến “sức dân” trên tuyến đường này.

Những tuyến đường nào sẽ được BOT?

Nói về tiêu chí lựa chọn các tuyến đường để kêu gọi theo hình thức BOT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: “Nguyên tắc chung là chọn các dự án có tính thương mại, nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư và có thể thu hồi được vốn. Đó là những tuyến có lưu lượng xe lưu thông ở mức độ nhất định, có khả năng tăng trưởng ổn định trong tương lai, cạnh tranh với các tuyến ổn định”. Vậy với các tuyến chỉ đầu tư mở rộng, tốn ít kinh phí hơn như cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ sao không dùng ngân sách? Thứ trưởng Đông cho hay: “Nói đơn giản là không có ngân sách. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giao thông hằng năm có hạn nhưng nhu cầu đầu tư hằng năm rất cao”.

Với các tuyến mang tính độc đạo, người dân không có lựa chọn khác để không mất phí khi đã đóng quỹ bảo trì hằng năm, trong đó có những đối tượng khó khăn, Thứ trưởng Đông giải thích: “Hiện nay, chúng ta chỉ thu phí với ô tô, không thu phí với xe máy nên sẽ ít tác động đến người có hoàn cảnh khó khăn. Ở đây, chúng ta đặt mục tiêu chính là có đường rộng, lưu thông nhanh hơn để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”.

Với dư luận thắc mắc về việc cách tính giá trị hợp đồng, thời gian và mức thu phí của nhà đầu tư chưa công khai, ông Đông cho biết: Hiện, Bộ GTVT đang làm theo đúng các thông tư của Bộ Tài chính. Từng dự án đều lập một hội đồng liên bộ để thẩm định, không chỉ riêng Bộ GTVT quyết định. “Các thông tin về phương án tài chính dự án là công khai. Tới đây, chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn công bố các thông tin này” – ông Đông nói.

Cần xác định giá, phí qua đấu thầu

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đang phần nào thông cảm với tình trạng khó khăn của ngân sách nhà nước, ủng hộ phương án đầu tư đường giao thông theo hình thức BOT để nhanh chóng có các tuyến đường tốt để đi. Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, đổi lại, các cơ quan thuộc Chính phủ, trực tiếp là Bộ GTVT nên công khai về suất đầu tư, phương án thu phí của các dự án để tránh dư luận nghi ngờ có những khuất tất hay ưu tiên cho nhà đầu tư.

Một giải pháp căn cơ hơn để xác định giá đầu tư, thời gian và mức thu phí, theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết: Muốn xác định chi phí đầu tư, giá, phí hàng hóa dịch vụ các dự án hợp tác công - tư phải xác định qua đấu thầu. “Quan trọng là phải lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu cạnh tranh. Từ đó chọn được nhà đầu tư có giá cạnh tranh nhất. Còn nhà nước thì đánh giá giá thầu kém lắm, chưa kể các ông bị “lung lay”. Như trồng cây xanh ở Hà Nội vừa qua, nếu đem ra đấu thầu sẽ khác ngay. Đa phần nhà đầu tư muốn đấu thầu rộng rãi, nhưng một số nhà đầu tư chúng tôi lấy ý kiến lại chỉ muốn chỉ định thầu”, ông Tăng nói.

Theo ông Tăng, Luật Đấu thầu mới nhấn mạnh tới phương pháp giá để chọn nhà thầu hiệu quả nhất. Không phải chọn nhà đầu tư có giá thấp nhất sẽ trúng thầu như trước đây. “Khi dự án mang ra đấu thầu, tôi tin đơn vị đề xuất dự án và các nhà đầu tư khác cũng phải đưa ra các tính toán tương đương thị trường, nếu không nhà đầu tư khác sẽ giành mất dự án”, ông Tăng nói.

MỚI - NÓNG