Cao lùn, trên dưới

Cao lùn, trên dưới
TP - Anh cán bộ văn phòng một tỉnh phía Bắc, trong cuộc họp, đang ghi sổ đến chữ nối gót cha ông, anh quay sang tôi hỏi: “Nối gót” viết nờ cao hay nờ nùn hả anh? Để cho nhanh, tôi bảo anh cách viết cho đúng, nhưng sau cuộc họp mới nói: Chữ n là n, không có nờ cao hay là nờ lùn.

Cái việc nói ngọng, hay là lẫn lộn, không phân biệt được e lờ (L) và en nờ (N) của một số người Bắc, đã thành phổ biến và ngày một lan rộng. Đưa nó lên kịch lên phim để chế giễu đã trở thành nhàm và nhạt, điều ấy càng chứng tỏ cố tật đã thành thứ đại trà thường ngày. Hơn ba chục năm trước, đám nói ngọng như vậy ở Hà Nội chỉ loanh quanh trong khu vực chợ giời. Một ít trong số họ là cố tật, một ít khác là cố tình ngọng để ra vẻ quê mùa, làm cho người vào chợ giời mua bán mất cảnh giác. Nhưng bây giờ thì mùa mưa khắp Hà Nội đều ngập nụt, khắp Hà Nội đều có người lói ngọng.

Cũng vì cái sự nói ngọng này, mà đến giờ tôi vẫn băn khoăn hai chữ. Bắt đầu ở thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm, mua gì cũng phải xếp hàng dài. Đang xếp hàng, người đứng ngay đằng trước có việc cần chạy đi một lát. Bà ta nhặt một nửa hòn gạch vỡ, đặt xuống đúng chỗ bà đứng, nhờ tôi mỗi khi hàng người nhích lên thì lại đá cho viên gạch nhích lên theo. Sáng kiến. Nhiều người bắt chước. Không cần có mặt trong hàng người mà khi quay lại vẫn được đứng vào chờ đến lượt. Xếp hàng lấy nước ở máy nước công cộng cũng vậy. Có khi người ta không đặt cái thùng rỗng vào chỗ xếp hàng, mà để vào đấy một viên gạch, một cái dép rách. Khi nào đến lượt thì mới mang thùng ra hứng nước.

Cái vật đặt vào hàng, xếp hàng thay người, tôi nghe người ta gọi là cái nốt, người thì gọi là cái lốt.

Nốt hay là lốt?

Có thể một trong hai từ phạm lỗi phát âm của một số vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhưng cái từ bình dân, chỉ xuất hiện trong một thời kỳ đặc biệt như thế, rất khó khẳng định đâu mới là từ chính xác.

Nốt, theo nghĩa như một cái dấu, một cái vết. Chỗ muỗi đốt trên da thịt người, gọi là nốt muỗi đốt. Vậy đặt một viên gạch vào xếp hàng thay cho người, cái viên gạch ấy được coi như là vật đánh dấu, xác định dấu của người xếp hàng vắng mặt.

Lốt, theo nghĩa cái vỏ, cái vật ở bên ngoài. Sói đội lốt cừu. Kẻ ác nhưng lại tạo vỏ hiền lành vô hại. Có người cho rằng đây là chữ “lot” trong tiếng Anh và tiếng Pháp, nhưng khi phiên âm sang tiếng Việt là lốt thì phát âm chẳng ra Pháp cũng chẳng ra Anh. Nó để chỉ một lô đất, một mảnh, một khoảnh. Cái buồng dành riêng trong Nhà hát Lớn gọi là lô, hình như cũng là từ chữ “lot” này.

Bàn sang một cặp chữ khác: nên người hay là lên người?

Không thầy đố mày làm nên.

Con ơi muốn nên thân người / Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.

Có thân thì có khổ / Có khổ mới nên thân.

Với mấy chữ “nên” này, nhiều người vẫn phát âm nhầm thành “lên”. Họ lý sự: từ một mức độ, tiến lên một mức độ cao hơn, thế thì phải là “lên”.

Đấy là một cách ngụy biện, câu nệ vào chữ lên, vốn để chỉ hướng cao hơn.

Nhưng xây lên một ngôi nhà là nói về việc xây dựng, từ chỗ nó chỉ là đất bằng, mà tạo dựng lên một vật thể kiến trúc cao hơn. Còn nói xây nên một ngôi nhà, ấy là còn hàm ý việc xây nhà là một thành tựu, được đặt vào đấy những tâm sức và có thể cả cảm xúc.

Từ đó, người ta mới nói là làm nên sự nghiệp. Nên, không phải lên.

Một đồng nghiệp người Quảng Ngãi, có lần hỏi tôi: Pắc Bó, chữ nào là bê trên, chữ nào là bê dưới? (Viết ra thế này thì rõ ràng rồi, nhưng đây là ông đang hỏi cách phát âm, không có văn bản viết để nhìn vào).

Lạ nhỉ, lại có cả bê trên và bê dưới.

Một đồng nghiệp khác người Nam bộ, nói địa chỉ nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh, rồi cẩn thận dặn thêm như dặn người Nam: Bánh là bê bò, không phải bê phở.

Ô, lại còn bê bò và bê phở. Bò và phở trở thành cái mốc, là vật để căn vào đấy mà định hướng, định vị, định âm, định ký tự.

MỚI - NÓNG