Tình trạng chi sai mục đích, vượt tiêu chuẩn vẫn khá phổ biến. Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2012, phát hiện trên 31.300 khoản chi thường xuyên chưa đúng thủ tục.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ lo ngại về thực trạng “cứ hễ xin được dự án là có phần trăm” bất chấp hiệu quả, chất lượng.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc kiến nghị sớm sửa Luật đấu thầu, còn Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cần ban hành Luật Đầu tư công, quản lý sử dụng vốn nhà nước.
Ai cũng biết lãng phí và tham nhũng thường đi đôi với nhau, thậm chí là nguyên nhân và kết quả của nhau. Do vậy nếu coi tham nhũng là giặc nội xâm thì lãng phí cũng nguy hại không kém.
Những cảnh báo và kiến nghị của các đại biểu quốc hội tại nghị trường về thực trạng lãng phí trong chi tiêu ngân sách chắc chắn sẽ được người dân đồng tình, ủng hộ.
Đáng lo ngại, tệ nạn lãng phí vẫn chưa được đẩy lùi, thậm chí nó đã ăn vào não trạng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Có những chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt thường ngày ở nhiều cơ quan, công sở, song lại là biểu hiện rất cụ thể của “văn hóa” lãng phí.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhắc nhở: “Quốc hội ta cũng để điện rất lãng phí. Nhiều lúc chúng ta làm việc xong mà cứ để máy lạnh, rất lãng phí, nói gì đến ý thức của dân”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính là thước đo văn minh, tiến bộ của một dân tộc. Người viết : “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.
Bác cho rằng, đã là con người cần phải có 4 đức tính trên, với cán bộ, đảng viên lại càng cần thiết hơn, càng có chức, có quyền càng phải cần kiệm liêm chính.
“Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” (HCM toàn tập, t.5, tr.104).
Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, việc học và làm theo lời dạy nói trên của Bác đối với các “công bộc” của dân hẳn là điều hết sức cần thiết.