Cả thảy 117 tác phẩm dự thi, nhưng hạng mục được báo giới và khán giả quan tâm nhất là phim truyện điện ảnh, có 13 phim. Những người viết huyền thoại của Cty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam, là bộ phim duy nhất do nhà nước đặt hàng, cũng thi thố và gặt giải tại LHP Việt Nam lần thứ 18 vừa rồi. Và anh sẽ trở lại có 400 triệu đầu tư của nhà nước, còn lại là kêu gọi xã hội hóa.
Các phim còn lại của các hãng làm phim tư nhân: Tèo em, Săn đàn ông, Sau ánh hào quang, Thần tượng, Hiệp sĩ guốc vông, Âm mưu giày gót nhọn, Cô dâu đại chiến phần 2, Đường đua, Tiền chùa, Gác kiếm và Tía ơi. “Chất lượng chưa dám nói, nhưng số lượng phim và nhân lực sản xuất rất đáng chú ý”, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh nói.
Danh sách phim tranh giải cũng không khác đợt dự LHP là mấy. Tất cả các phim đều ra rạp, có sự thẩm định nhất định của giới chuyên môn và khán giả. Ứng cử viên sáng giá nhất đến nay vẫn thuộc về Những người viết huyền thoại. Bộ phim của Bùi Tuấn Dũng rinh nhiều giải tại LHP, đặc biệt là Bông sen vàng. Trong số 12 phim còn lại, dễ điểm mặt những bộ phim tham gia cho vui, thậm chí không phải là tác phẩm điện ảnh: Săn đàn ông, Sau ánh hào quang, Gác kiếm.
Ngoài chất lượng nghệ thuật, lễ trao giải Cánh diều nhiều năm đều bị dư luận nhặt sạn, từ dàn dựng chương trình cho đến thành phần lên trao giải. Năm nay, lễ trao giải tối 15/3 tại Cung Văn hóa Hữu nghị được chuyển thành đêm ghi hình. Chủ tịch Hội điện ảnh giải thích, từ tháng 10 năm ngoái tới nay đã có 3 sự kiện điện ảnh tường thuật trực tiếp rồi. “Truyền hình trực tiếp có nhiều cái hay, nhưng khổ cho BTC vì cập rập, nhiều người không thích nghi được vì thời lượng ngắn. Điện ảnh bị động trước truyền hình”, bà Ngát nói thêm.
Lễ trao giải được ghi hình, phát vào ngày 16/3. Chương trình còn lồng ghép nghi thức kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam (15/3). Các nghệ sĩ trước đó có chuyến thăm di tích điện ảnh Đồi Cọ (Thái Nguyên). Năm nay, BTC làm clip tôn vinh duy nhất cố đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa.
NSƯT Đỗ Thanh Hải được giới thiệu là tổng đạo diễn chương trình, anh đứng lên thanh minh ngay. “Tôi không nhận là đạo diễn, tôi chỉ giúp dàn dựng thôi. Vì nếu là đạo diễn thì tôi phải được quyền yêu cầu”, anh nói. Chi phí dành cho ê kíp 300 triệu có vẻ không đủ để mời ai, Hội quay về nài người nhà-Đỗ Thanh Hải là Ủy viên BCH Hội Điện ảnh.
“Chúng tôi không có điều kiện dàn dựng, chỉ là có gì thì ghép vào thôi. Tiền không đủ thì đừng hi vọng chương trình hay. Một lễ trao giải thành công hay không, có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng phim và chất lượng giải thưởng. Khán giả cũng không chờ đợi một lễ trao giải để yêu thêm điện ảnh”, Đỗ Thanh Hải nói thêm.
Có 7 BGK, trong đó Hội vẫn duy trì BGK báo chí-phê bình. Riêng BGK phim truyền hình do đạo diễn NSƯT Vũ Xuân Hưng làm trưởng ban đã làm việc từ sớm, vì phải xem 15 phim dài tập, tổng số 429 tập và 9 phim dài từ 90-120 phút. Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Vinh Sơn làm trưởng BGK phim truyện điện ảnh.
Tổng kết độ tuổi của BGK, chủ yếu là từ 50 đến 60. Ông Đặng Xuân Hải giới thiệu 2 đạo diễn thuộc thế hệ sau là Nguyễn Vinh Sơn, Bùi Thạc Chuyên, thực tế cũng chẳng trẻ chút nào. Ông phân trần, Hội cũng muốn mời nhiều đạo diễn trẻ, đạo diễn Việt kiều, nhưng họ đều vướng lịch. Cũng khá tiếc khi phim ngắn Nước của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, vừa dự LHP Berlin, không có mặt, vì đạo diễn đang ở Mỹ.
Xem phim Việt miễn phí
Từ ngày 10 đến 14/3, các phim truyện điện ảnh dự Cánh diều 2013 sẽ chiếu miễn phí phục vụ khán giả tại: Rạp tháng 8, Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Rạp Ngọc Khánh và cụm rạp Megastar (nay là CGV). Giấy mời xem phim phát tại các điểm chiếu từ 8/3.