Cánh buồm ký ức trên tàu thép Quảng Nam

Cánh buồm trên tàu của ngư dân Quảng Nam đang no gió. Ảnh: Văn Chương
Cánh buồm trên tàu của ngư dân Quảng Nam đang no gió. Ảnh: Văn Chương
TP - Trên con tàu vỏ thép ở nơi cách đất liền 130 hải lý, các ngư dân chỉ một con tàu nhỏ phía đường chân trời đang căng chiếc buồm xanh trông giống lá mít và la to “Quảng Nam quê mình!”. Tôi nhủ thầm, “hóa ra ngư dân ở tỉnh này vẫn vương vấn cánh buồm”. Đêm đó, con tàu thép cũng kéo buồm căng gió để làm rộng vòng lưới. Buồm phát ra âm thanh phùng phùng trên đầu, ngư dân kéo lưới và reo hò “1….2…3 dô!”.

Trên biển xanh, chiếc tàu vỏ thép QNa 91327 TS có gắn chữ Quyết Tiến rời cửa biển Kỳ Hà chẳng mấy chốc đã vượt mặt những con tàu gỗ để hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Trên tàu là những ngư dân đã nhiều năm lăn lộn trên biển. Ông Trần Lai hiện nay là chủ một tàu làm nghề câu, nhưng thấy hứng thú nên gác chài nhảy sang tàu thép đi bạn. Trong suốt cuộc hành trình 2 ngày đêm ròng rã ra Hoàng Sa, các lão ngư này vẫn hơi chếch choáng và bảo “tàu thép hắn lắc lừng”.

“Lắc lừng” có nghĩa là tàu vỏ gỗ khi vượt sóng thì trả qua lắc lại thật nhanh. Tàu thép êm hơn, lắc chậm, nên thần kinh các lão ngư buộc phải “lập trình” lại cảm giác và ngày đầu tiên lên tàu vỏ thép, nhiều ngư dân không tránh khỏi cảm giác hơi liêu xiêu, chếch choáng. Nhưng sang ngày thứ 2, tôi biết cảm giác “lắc lừng” của các lão ngư này đã biến mất, vì ai cũng chạy từ boong lên mái tàu, nở nụ cười rồi chỉ trỏ về con tàu căng buồm đang cắt ngang phía đường chân trời: “Tàu kéo buồm nớ chỉ có dân Quảng Nam mình mới còn xài”.

1…2…3, dô nè! Tiếng 14 ngư dân hò reo kéo lưới trong âm thanh phần phật của cánh buồm, tiếng xào xào của đàn cá nhảy. Cánh buồm trong mắt tôi mang hình tượng của sự phóng khoáng và tự do. Còn qua câu chuyện của các ngư dân, tôi hiểu được, cánh buồm đối với họ chở nặng ký ức của một thời trai trẻ, xuôi ngược trên biển, cánh buồm là vị thần hộ mệnh của người dân chài. Khi đi biển, mọi người luôn nguyện cầu buồm căng gió bờ để đưa thuyền rời bến, đánh cá xong lại cầu gió khơi mau mau đẩy thuyền về bến cũ.                                                                    

Những con sóng dường như thức giấc suốt đêm trường, vây thân tàu và vỗ về, phát ra tiếng ì oạp, xào xạc. Thỉnh thoảng những âm thanh đó trộn lẫn tiếng gió thổi vút vút, vù vù, tất cả hòa thành một chùm âm thanh lạ, rất khó diễn tả, như âm thanh từ vũ trụ hoặc một thế giới nào khác vọng tới vùng biển khơi xa xôi. 

Con tàu mà các ngư dân chỉ hiện ra là một chấm đen phía đường chân trời và do có gắn buồm nên chiếc tàu này giống như một chiếc lá. Con tàu này di chuyển ngược hướng rồi nhanh chóng biến mất ở đường chân trời. Các ngư dân nói tiếng Quảng Nam đặc sệt “mấy ông thuyền trưởng lớn tuổi thì ưa xài thêm buồm lá mít, còn bọn trai trẻ bây giờ thì có biết chi chi và nói gắn thêm cái lá mít, răng hắn làm nặng thêm tàu”. Theo ngư dân, ra biển cứ thấy tàu có buồm lá mít là dân Quảng Nam, vì ngư dân cả nước không ai còn xài cánh buồm trên tàu đã gắn máy công suất lớn.

Lão ngư dân Trần Tương kể rằng, thời xưa ông bà mình đi ghe chèo, thuyền buồm. Tới thời sau năm 1968 xài máy Mỹ thì ở Kỳ Hà này vẫn còn thuyền chạy buồm. Buồm đan bằng lá lách, sau thay bằng vải. Nhưng tới giờ này thì Quảng Nam vẫn chơi buồm, nhưng buồm bây giờ là bằng bạt ni lông màu xanh. Tôi nghe chuyện thắc mắc nên quay ra hỏi “tàu có máy rồi, cơn cớ chi lại thêm buồm cho vướng víu?”. Ông Tương cho biết, gắn buồm thì gió đẩy tàu chạy lợi thêm khoảng 2 hải lý. Nếu gió mạnh hơn thì tàu chạy lợi 3 hải lý. Cứ căng buồm rồi nổ máy nhẹ thì tàu chạy cũng cỡ 6 hải lý/giờ.

Ngư dân Nguyễn Đông, 69 tuổi, là người từng cầm tài tàu Tam Kỳ 2 của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ra khơi đánh cá sau năm 1975, giờ theo con trai đi biển. Khi nghe lọt tai chuyện thuyền buồm, lão ngư già nâng lon bia, cười híp mắt. Buổi chiều ra boong vá lưới, lão ngâm nga câu ca: “Ơ…trong săn gió chạy một buồm lòng, êm gió dựng mũi, ưng bong thêm vào, ơ nhắm chừng”. Ông Đông giải thích, thời trước thì tàu có gắn tới 4 cột buồm, lúc ăn cơm thì cũng phải có người giữ dây buồm, ngồi đu vắt vẻo ngoài ganh để cho tàu luôn được cân bằng, không quá nghiêng ngả. Có khi ngồi bê bát cơm vắt vẻo và trong bát chan đầy nước mặn. Tôi ngạc nhiên khi nghe ông Đông bảo, “chừ mai mốt tàu thép ni cũng căng buồm mũi để ngư dân căng rộng lưới đánh cá”.

Cánh buồm ký ức trên tàu thép Quảng Nam ảnh 1 Giỏ cá nặng đầy trên boong tàu phần phật tiếng gió buồm. Ảnh: Văn Chương
Cánh buồm ký ức trên tàu thép Quảng Nam ảnh 2 Cánh buồm trên tàu 67 đang căng gió. Ảnh: Văn Chương

Con tàu vỏ thép này được đóng từ nguồn tín dụng của Nghị định 67, giá thành lên đến 14,5 tỷ đồng. Trong ca bin tàu lắp đặt đủ các thiết bị hiện đại như: 2 la bàn, 2 máy định vị Haiyang Smart 5 của Hàn Quốc, máy Furuno của Nhật Bản. Vậy thì cớ gì tàu phải viện đến cánh buồm cổ xưa chỉ còn tìm thấy trong sử sách, ca dao? Lão ngư dân này tung buồm trên tàu thép để có thêm tác dụng nới rộng vòng lưới, hay lão căng buồm chỉ vì hoài niệm in đậm về một thời thuyền buồm xưa cũ để nhớ thời trai trẻ?

Màn đêm buông xuống. Con tàu khai quang một vùng biển xung quanh nó bằng 50 bóng đèn cao áp, mỗi bóng có công suất 1000 W.

Cả đêm chong đèn cho tới 3 giờ sáng thì tàu mới chạy vòng tròn, buông lưới vây cá, tạo thành một cái ao nổi trên mặt biển rồi rút dần về tàu. Vào giờ phút đó, vùng biển Hoàng Sa tự dưng đổ sóng cuộn. Từng lượn sóng óng ánh phản chiếu dưới ánh đèn như những vỉa than đen ẩn dưới lòng đất vừa mới lộ thiên. Sóng to có đáng lo ngại? Tưởng sóng lớn thì mọi người sẽ bàn lùi. Nhưng các ngư dân lại reo lên bằng tiếng Quảng Nam đặc sệt, “chu choa, sóng ni thì cá mới nhiều”.

Vòng lưới giống như chiếc ao nổi đang vây cá nằm bên trái mạn tàu cứ co lại dần, dài bẹt ngang ra, tiến lại gần tàu. Lưới và chân vịt là 2 thứ đại kỵ của dân biển. Vì 2 thứ này gặp nhau thì tàu không dám khởi động máy. Thời khắc lưới, chân vịt đang gần nhau thì lão ngư dân già nhất trên tàu đã hô “treo buồm!”. Soạt! Cánh buồm bung lên rất nhanh, giật giật như người đã có tí men, ngẫu hứng. Cánh buồm no gió đẩy con tàu đi lùi với tốc độ gần 1 hải lý/giờ. Tàu không nổ máy để tránh chân vịt quấn chặt vào lưới.

Từ 3 giờ sáng đến khi mặt biển bừng ánh mặt trời, cánh buồm no gió cứ kéo con tàu lùi trên sóng, vòng lưới vây thoát ra khỏi bụng tàu, ngoan ngoãn căng tròn như bầu ngực con gái, duỗi ra hình ô van, nằm lệch hẳn về mạn trái của tàu. Ánh đèn pha hắt luồng sáng cực mạnh làm hiện ra từng đàn cá trắng bạc bơi lượn xoay vòng trong cung lưới. Hình ảnh đàn cá kích thích sự phấn khích nên ai cũng 1 bước đi 3 bước chạy - níu dây, thả tời, cuộn lưới, kéo cá, miệng há ra để hò dô. Lão ngư Nguyễn Đông ngửa mặt nhìn cánh buồm cười ha hả rồi giải nghĩa “tàu cổ truyền  hay tàu hiện đại cũng đều cần có cánh buồm, nếu không biết dùng buồm và nói là thứ lỗi thời là chưa rành rẽ nghề biển”.

MỚI - NÓNG