10 ngư dân mất tích cùng con tàu vỏ thép 18 tỷ đồng

Bão Doksuri đã tan, hầu hết tàu cá của ngư dân xã Ngư Lộc đã vào bờ an toàn nhưng con tàu của anh Tuy không có tin tức.
Bão Doksuri đã tan, hầu hết tàu cá của ngư dân xã Ngư Lộc đã vào bờ an toàn nhưng con tàu của anh Tuy không có tin tức.
Ít ngày ra khơi thì gặp bão Doksuri đổ bộ, tàu cá cùng 10 ngư dân Thanh Hoá mất hoàn toàn liên lạc với đất liền.

Căn nhà nằm trong con ngõ nhỏ của gia đình chị Hoàng Thị Xuyên ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) mấy ngày nay có đông hàng xóm, người thân đến hỏi thăm. Ai cũng mang tâm trạng lo lắng vì anh Nguyễn Văn Tuy (chồng chị Xuyên) ra khơi đánh cá nhưng bặt vô âm tín sau bão Doksuri.

Người thân cho hay, vài hôm nay chị Xuyên không ăn ngủ, chỉ nằm bẹp trên giường than khóc lo lắng cho người chồng ở khơi xa. Thi thoảng có người hỏi thăm, chị cố nhổm dậy nhưng không thể trò chuyện. Gia đình phải thường xuyên túc trực ở bên cạnh chăm sóc chị.

Chị Nguyễn Thị Gấm (42 tuổi, em gái anh Tuy) kể, ngày 9/9 anh Tuy lái trưởng cùng 9 thuyền viên rời cảng Quy Nhơn (Bình Định) ra ngư trường vùng Nam Trung Bộ đánh bắt cá.

Trước khi rời cảng, anh Tuy có gọi điện thoại về thông báo cho gia đình. Ba hôm sau, cơn bão Doksuri đi vào biển Đông và dự báo đổ bộ vào Việt Nam. Tất cả tàu thuyền đều tìm nơi tránh trú an toàn nhưng người thân vẫn không nhận được liên lạc gì từ con tàu của anh Tuy .

“Đến nay, chúng tôi không rõ con tàu đang trú ẩn ở đâu hay đã lâm nạn trên biển…”, chị Gấm nói và cho hay, thông thường nếu an toàn các thuyền viên đã báo tin cho gia đình ở quê nhà.

Theo người thân, giữa buổi chiều ngày 14/9, gia đình được báo tin, anh Tuy có liên lạc với đài duyên hải tỉnh Phú Yên, nhưng đó cũng là thông tin cuối cùng của con tàu này. “Bão đã tan hai ngày nay mà các anh không về nên gia đình hoang mang tột cùng”, chị Xuyên nói thêm.

Theo các ngư dân, bình thường một chuyến ra khơi kéo dài cả tháng, nhưng cứ chừng một tuần lại vào đảo, cảng hoặc đất liền để tiếp nhiên liệu, mua lương thực và bán hải sản… Khi có điều kiện, các thuyền viên sẽ gọi điện về báo cho gia đình. Nhưng con tàu của anh Tuy đã nhiều ngày liền mất liên lạc với gia đình.

Mỗi lúc có tàu thuyền ra vào làng biển Diêm Phố, bà Hoàng Thị Xuân (ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) lại chạy đến hỏi han tin tức. Bà có con cả Nguyễn Mạnh Tuấn đang mất tích cùng 9 ngư dân khác trên tàu anh Tuy. “Tôi chỉ biết cầu trời phật độ trì cho các con bình an. Nó là con cả, trụ cột gia đình, nếu có mệnh hệ nào, vợ con nó và thân già tôi biết nương tựa vào ai…”, cụ bà nghẹn ngào.

Bà Xuân cho hay, anh Tuấn đã 30 năm gắn bó với nghề đi biển. Ít năm trước, anh vay mượn đóng tàu nhưng được vài năm, do làm ăn thua lỗ nên đành bán thuyền đi làm thuê.

Anh Tuấn có 4 đứa con còn nhỏ, vợ không có nghề nghiệp ổn định nên gia cảnh khó khăn. Anh Tuy cũng có năm người con, bốn gái một trai và đều độ tuổi ăn học. Con tàu vỏ thép hơn 800 CV của gia đình anh Tuy được đóng mới theo Nghị định 67, trị giá 18 tỷ đồng. Tàu hạ thuỷ đầu năm 2017 và mới ra khơi được 6 – 7 chuyến.

Ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết việc tàu cá của gia đình anh Tuy mất liên lạc nhiều ngày trong bão là điều bất thường. Hiện xã đã báo cáo vụ việc với các cơ quan chức năng.

Sáng 17/9, chính quyền xã Ngư Lộc tổ chức ba tàu cá công suất lớn cùng 30 ngư dân đi vào vùng biển Đà Nẵng để tìm kiếm tung tích tàu anh Tuy.

“Vùng biển được tập trung tìm kiếm nằm ở vĩ tuyến 14 – 16, ngang TP Đà Nẵng bởi trước khi mất liên lạc, tàu đánh bắt ở đây”, ông Ngữ nói.

Tỉnh Thanh Hóa hôm nay cũng có văn bản gửi cơ quan chức năng các tỉnh từ Quảng Bình đến Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị hỗ trợ tìm kiếm tàu cá cùng 10 ngư dân đang mất liên lạc.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.