Theo Nafiqad, qua thông tin và mẫu vật từ người dân, Cục đã tiếp nhận, xác minh từ mẫu vi cá mập do nghi ngờ là hàng giả. Đặc tính cảm quan với mẫu vật vi cá mập trên là sợi vi cá trong suốt (không có vi sụn), có độ dẻo, dai tốt hơn bình thường; mùi tanh nhẹ và khi đốt có mùi khét của vật liệu nhựa dẻo.
Nafiqad cho biết, theo báo cáo của FAO (năm 1999), hàm lượng dinh dưỡng có trong vi cá mập nói chung trong 100g là: Nước 14g; Protein 83, 5g; Fat 0,3g; Ash 2,2g; Phosphorus 194 mg…
Qua kết quả phân tích Nafiqad cho thấy, hàm lượng chất phosphorus tổng số trong mẫu nghi ngờ chỉ 0%; hàm lượng Nitrogen tổng số 34% (cao hơn gấp 3 lần báo cáo đánh giá giá trị dinh dưỡng vi cá mập của 6 loài khác nhau (14-14.6%) của Viện Công nghệ sau thu hoạch Sri Lanka năm 2003).
Kết quả này có thể kết luận mẫu vi cá do người dân cung cấp là giả mạo. Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại, vi phạm về vấn đề an toàn thực phẩm, người tiêu dùng có thể “tiền mất, tật mang”.
Vi cá mập giả mạo, có thể làm từ nhựa dẻo
Theo Nafiqad, vi cá mập được xem như nguyên liệu thực phẩm bổ dưỡng và chữa bệnh của người dân và có truyền thống từ lâu đời.
Nguyên liệu này được dùng chủ yếu trong chế biến món ăn cao cấp như súp vi cá mập hoặc chế biến thành thực phẩm chức năng hỗ trợ tạo sụn xương.