Chữa ung thư bằng vi cá mập: tiền mất, tật mang

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Thông tin về việc phát hiện vi cá mập làm từ cao su ở Hà Nam, Trung Quốc không chỉ làm kinh động đến người dân nước này mà cả những người dân Việt Nam đang bồi bổ và điều trị bằng vi cá mập cũng phải hoang mang. Bởi không ai dám chắc về nguồn gốc của loại vi cá mập mình đang sử dụng.

Loạn thị trường vi cá mập

Tin tưởng vào chất lượng cũng như lợi ích mà vi cá mập mang lại, nhiều gia đình đã không tiếc tiền mua vi cá mập để bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, thông tin về việc phát hiện đường dây bào chế vi cá mập từ cao su ở Trung Quốc đã khiến không ít người tiêu dùng Việt phải đắn đo, nhìn nhận lại về chất lượng của sản phẩm mà mình đang sử dụng.

Chị Thu Thủy, ngụ tại Q.7, Tp.HCM cho biết: “Nghe nói sản phẩm vi cá có khả năng chữa bệnh ung thư, tốt cho sức khỏe nên thỉnh thoảng tôi cũng mua về chế biến thành các món ăn, bổ sung dưỡng chất cho gia đình. Trong thời buổi mà hàng Trung Quốc nhan nhản thế này thì tôi cũng không dám chắc vi cá mập đó có phải là vi cá mập cao su nhập từ Trung Quốc không nữa”. 

Tương tự, chị Thu Hà, ở Quận 6 lo lắng: “Đến vi cá cũng làm từ cao su. Không biết ở nước ta có sản phẩm giả này chưa, nếu có ăn vào thì thật nguy hiểm”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, ở nước ta, chưa phát hiện sản phẩm vi cá mập làm từ cao su, nhưng các sản phẩm từ vi cá mập “ba không” không nhãn mác, không thời gian sử dụng và không rõ nguồn gốc thì vẫn nhan nhản ngoài thị trường. 

Vi các mập và các sản phẩm làm từ vi cá mập như thế này được bày bán phổ biến ở các chợ trên địa bàn Tp.HCM như: chợ Bến Thành (Quận 1), chợ Bình Tây (Quận 6), chợ An Đông (Quận 5)... với đủ các loại từ hàng thượng phẩm đến loại 2, loại 3.

Giá cả thì đa dạng, tuy nhiên, nhìn chung, vi cá mập bán ở chợ luôn rẻ hơn so với vi cá mập bán ở cửa hàng từ 20 -30%. Cụ thể: vi cá vuông loại 1 giá 3,4 triệu đồng/kg, loại 2 khoảng 2,6 triệu đồng/kg, vi bông khoảng 8 triệu đồng/kg. Tùy vào chất lượng mà vi cá mập có giá mỗi kilogam từ 4 đến hơn 10 triệu đồng.

Các sản phẩm này đa phần đều được đóng trong túi nilon, không bao bì, nhãn mác, địa chỉ sản xuất, thông tin duy nhất là miếng giấy nhỏ ghi tên mặt hàng, điện thoại liên hệ mua hàng nên chất lượng rất khó khẳng định. Tuy nhiên, chỉ cần làm một phép so sánh nhỏ với giá cả vi cá mập ở thị trường thế giới chúng ta cũng có thể thẩm định được phần nào chất lượng của các loại vi cá mập “hàng chợ”.

Ở châu Âu và các nước phương Tây, giá vi cá mập rất đắt đỏ, 1kg vi cá loại kém giá khoảng 6 triệu đồng, loại tốt giá lên tới 300.000 triệu đồng. Còn tại Trung Quốc, Nhật Bản, một chén súp vi cá mập đã chế biến cũng có giá từ 300.000-3.000.000 đồng tùy loại.

Có hay không khả năng chữa ung thư?

Chỉ cần lên mạng Internet vào trang Google tìm kiếm, hàng loạt thông tin rao bán vi cá mập hiện ra. Ở các trang quảng cáo này đều đăng thông tin vây cá mập có rất nhiều công dụng như tăng cường sức khỏe, chữa ung thư và nhiều bệnh nan y. Đa phần các thông tin trên mạng đều nhấn mạnh về dinh dưỡng của loại vây cá vốn khá nổi tiếng này.

Song một số diễn đàn cũng mập mờ về khả năng chữa bệnh của nó. Gọi điện liên hệ thì người bán đều nói chung chung về khả năng chữa bệnh ung thư của sản phẩm.

 Mặc dù, cho đến nay chưa có tài liệu nào công nhận tác dụng chữa bệnh ung thư của sụn vi cá mập, có chăng chỉ là tác dụng hỗ trợ điều trị. Thế nhưng số người tin vào điều kỳ diệu từ vi cá mập vẫn không ngừng tăng lên, khiến cho nó ngày càng trở nên đắt đỏ.


Theo BS. Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Tp.HCM, bệnh ung thư có nhiều nguyên nhân, không thể kết luận người có gien ung thư sẽ bị ung thư. Nhiều người nghĩ cá mập không bị ung thư nên vi và sụn có khả năng phòng trị ung thư, điều này hoàn toàn phi lý. Bởi thực tế cho thấy ung thư cũng đã xuất hiện ở cá mập.
Theo tìm hiểu của phóng viên, có rất nhiều thông tin để khẳng định vây cá mập không có tác dụng chữa ung thư như dân gian đồn đại. Lợi ích chủ yếu của sụn vây cá mập chủ yếu tập trung ở chất chondroitin, giúp bảo vệ xương khớp bằng cách ức chế các men phá hủy chất sụn trong khớp… Tuy nhiên, xét cho cùng, thì điều nó mang lại chỉ là tăng cường sức khỏe xương khớp chứ không thể trị triệt để nguồn bệnh.

Trong Đông y từ xưa đến nay, vây cá mập chưa bao giờ được xem là một vị thuốc, và đương nhiên, đã không là thuốc thì không thể chữa được ung thư. Thực tế, ở nước ngoài, người ta thường dùng vây cá mập làm thực phẩm chức năng, bồi bổ xương cốt cho người già, phụ nữ.

Ngoài việc chưa thể khẳng định sụn vi cá mập chữa trị được ung thư, thì các chuyên gia y tế cũng lo ngại, dùng sụn vi cá mập trong quá trình điều trị hóa chất, xạ trị sẽ mang lại tác dụng cộng hưởng, khiến bác sĩ khó có thể kiểm soát việc điều trị. Trong phác đồ điều trị ung thư ở Việt Nam cũng như nhiều nước khác đều không thấy nhắc đến việc sử dụng sụn vi cá mập. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân khi có bệnh cần phải đi khám và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ, không nên cả tin, dẫn đến tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Mua phải hàng giả, tác hại khôn lường

Ngoài việc khẳng định chưa có tài liệu nào nói về việc chữa bệnh của vi cá mập, BS. Nguyễn Tiến Lý, Trưởng khoa Xương khớp, Bệnh viện Thống Nhất Tp.HCM khuyến cáo: Gần đây còn có thông tin vi cá được làm từ cao su, nếu ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hiện chưa phát hiện vi cá mập làm từ cao su ở thị trường nước ta, nhưng người mua cũng nên cẩn thận, chỉ mua ở địa chỉ uy tín, có ghi rõ nguồn gốc, thời hạn sử dụng, có nhãn mác đầy đủ.

Tương tự, BS. Nguyễn Lân Đính, Chuyên gia dinh dưỡng cũng cho biết: “Vi cá nói chung từ xưa tới nay vẫn có tiếng là món ăn quý về phương diện ẩm thực. Còn việc nó có khả năng chữa khỏi ung thư thì phải có ý kiến của bác sĩ điều trị về khoa ung bướu và các bằng chứng khoa học cụ thể.

Người dân không nên nghe tin đồn vô căn cứ. Chưa kể, cá mập là một loài cá lớn có khả năng tích lũy khoáng chất độc hại như thủy ngân. Trong vi cá của nó, nồng độ thủy ngân cũng không thấp. Vì vậy ngay cả vi cá mập thật cũng không phải lúc nào cũng an toàn cho người sử dụng”.

Theo SKGD
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.