Cảnh báo tai nạn liên hoàn

Ùn tắc sau vụ tai nạn liên hoàn giữa 8 xe tại tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ tối mùng 4 Tết. Ảnh: Hoàng Anh
Ùn tắc sau vụ tai nạn liên hoàn giữa 8 xe tại tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ tối mùng 4 Tết. Ảnh: Hoàng Anh
TP - Phương tiện đông, đường gồ ghề và sự bất cẩn của các tay lái khiến số vụ tai nạn liên hoàn gia tăng. Có tuyến, trong 9 ngày Tết xảy ra 8 vụ.

Pháp Vân – Cầu Giẽ là tuyến xảy ra nhiều vụ tai nạn trong đợt Tết. Trung tá Đỗ Mạnh Ninh, Đội trưởng CSGT số 8 (Phòng CSGT Hà Nội) phụ trách tuyến này cho biết: Hầu hết vụ va quệt, tai nạn đều liên quan đến nhiều xe; trong 9 ngày Tết (từ 28/12 đến mùng 6/1 âm lịch), tuyến đường hơn 30 km này có đến 8 vụ tai nạn liên hoàn; riêng mùng 6 có 3 vụ.

Mỗi vụ xảy ra trung bình giữa 3-5 xe; cá biệt, vụ tai nạn tối mùng 4 Tết liên quan đến 8 ô tô.

Cảnh báo tai nạn liên hoàn ảnh 1

Chiếc Innova và Ford Everest hỏng nặng trong vụ tai nạn liên quan đến 8 xe tối mùng 4 Tết trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Hoàng Anh

Dù không có người chết và thương nặng nhưng tổn thất có thể lên đến tỷ đồng mỗi vụ; trong đó, nhiều xe hạng sang bị dập phần đầu, bị húc mạnh phía sau. 

Ngoài ra, tai nạn liên hoàn làm ùn ứ dọc tuyến. Để ứng phó, các chiến sỹ Đội CSGT số 8 phải chia nhau thành tốp 2-3 người phụ trách khoảng 2-3 km. Sự cố xảy ra, CSGT phải dùng xe máy luồn lách đến điểm tai nạn để dời xe vào lề đường.

Ngoài tuyến trên, một số vụ việc tương tự cũng được ghi nhận. Ngày 29 Tết, trên QL 10 qua huyện Đông Hưng (Thái Bình), chiếc Ford Everest va vào xe khách; sau đó, xe khách này lại va tiếp vào xe máy. Không có thương vong nặng, nhưng 2 ô tô hỏng nặng.

Theo trung tá Ninh, nguyên nhân của tai nạn liên hoàn này chủ yếu là do lượng phương tiện tăng đột biến; trong khi, hạ tầng chưa đảm bảo; đặc biệt, mặt đường tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ gồ ghề làm xe liên tục phải thay đổi tốc độ, người phía sau khó xử lý.

Ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Cty Vận hành và Bảo trì đường Cao tốc Việt Nam (quản lý vận hành tuyến đường kế cận từ Cầu Giẽ đi Ninh Bình) cũng cho rằng, mặt đường, hệ thống biển báo đóng yếu tố quyết định trong việc có tai nạn liên hoàn hay không. 

Do tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình có mặt đường mới nên dù lượng xe trong Tết tăng gấp 3 lần ngày thường (có thời điểm 40.000 xe/ngày), nhưng “rất may” chưa ghi nhận tai nạn liên hoàn.

Tuyến đường này cũng là tuyến đầu tiên có biển báo làm thước đo khoảng cách cho phương tiện. Khi có hiện tượng ùn ứ, dễ gây tai nạn liên hoàn, công ty chủ động phân làn cho xe chạy sang làn đường ngược chiều.

Sự bất cẩn, tâm lý vội vàng và mệt mỏi (dẫn tới không làm chủ tốc độ, giữ khoảng cách an toàn) do tiệc tùng của người điều khiển, trong đó, có những người thuê hoặc mượn xe cũng là nguyên nhân không nhỏ. 

“Dù thường xuyên cầm lái hay thuê mượn xe, các lái xe đều có bằng lái, họ có quyền điều khiển. Điều quan trọng nhất là lái xe cần làm chủ tốc độ, chú ý quan sát. Không chỉ Tết, trong mùa lễ hội tới đây, nếu không cẩn trọng tai nạn liên hoàn lại sẽ xảy ra” – Trung tá Ninh nói.

Về chất lượng mặt đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Đức Thắng, đơn vị quản lý tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ khẳng định, “tuyến đường luôn được tu bổ thường xuyên”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thắng, để giải quyết dứt điểm, Bộ GTVT có kế hoạch nâng cấp thành đường cao tốc. Thủ tục đấu thầu chọn chủ đầu tư đang gấp rút được triển khai.

MỚI - NÓNG
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
Chuyện dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong vượt pháo quân thù tải gạo cho bộ đội Điện Biên
TPO - Cầu truyền hình "Dưới lá cờ Quyết Thắng" đưa khán giả gặp gỡ những cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ai trong số họ cũng có những câu chuyện đáng nhớ về chiến trường xưa. Những kỷ niệm của họ làm sống dậy cả một thời oanh liệt.
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
Hà Nội làm tiếp đường trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy hơn 8.500 tỷ đồng
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố Hà Nội tiến độ lập báo cáo và đề xuất chủ trương đầu tư 10 dự án đầu tư công và 1 dự án tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) để hoàn thiện và thực hiện trong thời gian tới, trong đó có dự án đường trên cao Vành đai 2 từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.