Cảnh báo nhiều mô hình đa cấp lừa đảo mới

Trụ sở Công ty Thiên Ngọc Minh Uy tại khu vực Tây Nguyên. Ảnh: M.Q.
Trụ sở Công ty Thiên Ngọc Minh Uy tại khu vực Tây Nguyên. Ảnh: M.Q.
TPO - Theo lãnh đạo Bộ Công Thương và đại diện nhiều sở công thương, ở các địa phương hiện đã xuất hiện nhiều biến tướng với những mô hình lừa đảo đa cấp mới, thu hút nhiều người tham gia.

Nhiều biến tướng

Thông tin thêm về các mô hình đa cấp đang xuất hiện trên thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, nhiều địa phương thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình biến tướng mới, ở những lĩnh vực thậm chí không liên quan gì đến ngành công thương.

Thực tế có những công ty không hề được cấp phép bán hàng đa cấp nhưng vẫn thực hiện bán hàng đa cấp. Vấn đề ở đây không phải là cấm hay không cấm. Vì nếu có cấm hoàn toàn thì hoạt động đa cấp vẫn diễn ra dưới hình thức này hay hình thức kia. Như ở Gia Lai, hiện có rất nhiều người lừa nhau tham gia vào trò huy động vốn ponzi (hình thức huy động vốn nhàn rỗi đầu tư vào những dự án nước ngoài, một số công ty đang rao trả mức siêu lãi lên tới 10%/tháng). 

Điểm đáng báo động của trò này chính là nhiều người dân biết đây là hình thức huy động vốn, có dấu hiệu lừa đảo nhưng vẫn tham gia, thậm chí có người cho biết sẽ không được pháp luật bảo vệ khi bị rủi ro nhưng họ vẫn tham gia.

“Nếu chúng ta hy vọng dùng Nghị định 42 sửa đổi tới đây để điều chỉnh các loại hình như ponzi, bitcoin, octa thì nói thẳng không bao giờ quản lý được. Vì quản lý bán hàng đa cấp hiện nay không sinh ra để quản lý và ngăn chặn hiện tượng ponzi. Để xử lý ponzi phải sử dụng các công cụ khác. Chúng ta sẽ sửa Nghị định 42, nhưng là để ngăn chặn trong kinh doanh đa cấp đúng nghĩa. Còn những hình thức đa cấp mới mà người dân tham gia dù biết rõ bị lừa mà vẫn tham gia… cơ quan quản lý phải dùng công cụ khác”, ông Khánh nói.

Tại buổi sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, ông Trần Vinh Nhung cho hay, thời gian qua, vòi bạch tuộc đa cấp phát triển mạnh do đánh được vào sự thiếu hiểu biết, lòng tham của người dân.

Nhiều công ty đa cấp nhằm vào người nội trợ, cán bộ hưu trí tại các khu dân cư để phát triển mạng lưới. Thực tế, các hoạt động kinh doanh đa cấp đang có nhiều biến tướng với những mô hình khác nhau: từ huy động vốn theo hình thức kim tự tháp, tiền ảo, góp vốn vào các dự án bất động sản, nhà hàng “bánh vẽ”…Các mô hình này đều lấy tiền của người trước trả cho người sau với lợi nhuận rất cao.

Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho hay, còn những lỗ hổng lớn về quản lý kinh doanh đa cấp. Đối tượng bị lừa ở các địa phương thời gian qua chủ yếu là người lao động, sinh viên và người về hưu. 

“Văn bản của ngành công thương hiện nay chưa chạy theo kịp diễn biến của các hình thức kinh doanh đa cấp trên thị trường. Cục Quản lý cạnh tranh cần đánh giá lại có bao nhiêu doanh nghiệp đa cấp mang lại lợi ích cho đất nước. Con số 4.000 tỷ đồng doanh thu của các đơn vị đa cấp báo cáo mới chỉ là bề nổi. Doanh thu thực sự của các doanh nghiệp đa cấp, chúng ta chưa kiểm soát được hết”, lãnh đạo Sở Công Thương Thừa Thiên Huế nói và cho biết cái khó trong xử lý vi phạm kinh doanh đa cấp hiện nay chính là không có người đứng ra tố cáo các hành vi lừa đảo đa cấp.

“Người dân bỏ ra số tiền lớn nhưng họ thấy rõ lợi nhuận thu được cũng rất nhiều, khiến họ lóa mắt. Cần sớm sửa Nghị định 42. Giao cho địa phương gậy thì cũng cần giao cả công cụ thì địa phương mới vào cuộc quản lý chặt chẽ được”, ông Thanh kiến nghị.

Bên cạnh siết lại các quy định pháp luật, cần có chế tài phạt cả cá nhân lừa đảo, bán hàng đa cấp là ý kiến của Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Thanh Hải. Theo ông Hải, cũng cần có chế tài với ngân hàng thương mại trong việc không để ngân hàng tự tiện giải tỏa tiền đặt cọc của công ty đa cấp mở tại ngân hàng theo quy định.

Kiên quyết rút giấy phép doanh nghiệp vi phạm

Dẫn câu chuyện về việc lãnh đạo Bộ Công Thương được cảnh báo về việc nếu Bộ trưởng Công Thương không xử lý được vấn đề lừa đảo trong kinh doanh đa cấp thì sẽ không còn uy tín nào với người dân và xã hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cơ quan quản lý phải tăng cường nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước chứ không phải tăng cường giám sát, kiểm tra như thời gian qua. Các quy định pháp luật chặt chẽ thì chỉ cần bằng hậu kiểm, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể xử lý, xử phạt các doanh nghiệp đa cấp có vi phạm.

“Bộ Công Thương đang hướng đến xây dựng bộ máy công quyền phục vụ người dân. Chúng tôi biết đấu tranh chống những vi phạm trong bán hàng kinh doanh đa cấp không phải là việc dễ nhưng chúng tôi sẽ quyết tâm làm. Đề nghị ban soạn thảo đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Nghị định 42, Thông tư 24 và nghiên cứu từ thực tiễn để sửa đổi các nội dung về đào tạo, cấp bằng, giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm… để ràng buộc, gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương và các đơn vị khác trong quản lý kinh doanh đa cấp. Với những trường hợp vi phạm cần kiên quyết rút giấy phép hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, truy tố trước pháp luật nếu có những dấu hiệu lừa đảo”, ông Tuấn Anh nói.

Đại lý của Thiên Ngọc Minh Uy kinh doanh cả hàng nhập lậu

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương An Giang cho biết, qua kiểm tra, thời gian qua địa phương phát hiện nhiều vi phạm của Thiên Ngọc Minh Uy. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng, phát hiện 375 người của đại lý thuộc công ty này không có hợp đồng, không có thẻ thành viên, không được đào tạo nhưng vẫn tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp. Đại diện Thiên Ngọc Minh Uy cũng thừa nhận có 3 vi phạm trong việc kinh doanh đa cấp tại địa bàn tỉnh An Giang. Các đại lý của công ty này cũng ký hợp đồng không theo quy định. “Chúng tôi phát hiện một đại lý ở Long Xuyên của Thiên Ngọc Minh Uy kinh doanh hàng nhập lậu với giá trị 24,7 triệu đồng. Chúng tôi cũng xử phạt 9 triệu đồng vì không thực hiện khám sức khỏe định kỳ, không tập huấn cho người bán hàng đa cấp và kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Đại lý của Thiên Ngọc Minh Uy ở Bình Chánh (TPHCM) cũng bị phạt 15 triệu đồng vì kinh doanh hàng hóa nhập lậu”, đại diện Sở Công Thương An Giang cho biết.

Đa cấp thu lợi lớn từ bán thực phẩm chức năng

Báo cáo của 48 doanh nghiệp đa cấp cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, các công ty này đã thu được khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của khối công ty đa cấp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1.800 tỷ đồng (45% thị phần), doanh thu các công ty đa cấp trong nước khoảng 2.200 tỷ đồng (55% thị phần). Đáng chú ý, trong số các loại hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp, thực phẩm chức năng là loại hàng mang lại doanh thu lớn nhất cho các công ty đa cấp với tổng cộng 1.877 tỷ đồng. Kế đến là mỹ phẩm (1.159 tỷ đồng), đồ gia dụng (451 tỷ đồng), quần áo (115 tỷ đồng), thiết bị (189 tỷ đồng)…

MỚI - NÓNG