Theo ông Phạm Ngọc Anh, từ trước đến nay, Học viện múa Việt Nam hoạt động không thuộc trách nhiệm quản lý của Phòng GD&ĐT Cầu Giấy. Trên địa bàn có còn Trường Trung Cấp Nghệ Thuật Xiếc Và Tạp Kỹ Việt Nam nhưng có học sinh học tập, ra trường họ đều báo cáo, Phòng GD&ĐT phê duyệt, cấp bằng tốt nghiệp THCS đầy đủ. Riêng Học viện múa Việt Nam không có bất kỳ báo cáo về hoạt động. Đơn vị cũng không thể vào kiểm tra hoạt động của trường này.
Khi xảy ra sự việc phụ huynh, học sinh “cầu cứu” không được cấp bằng, thực hiện chỉ đạo, Phòng GD&ĐT kiểm tra và sẽ cho hoàn thiện hồ sơ, hướng dẫn xếp loại, hoàn thành học bạ cho học sinh. Quá trình kiểm tra cho thấy, vẫn còn một khóa học sinh lớp 9 năm tới có nguy cơ không được cấp bằng như năm trước. Do đó, đơn vị xin ý kiến chỉ đạo của Sở GD&ĐT nếu không phụ huynh cũng sẽ có kiến nghị như năm nay.
Theo ông Ngọc Anh, để cấp bằng tốt nghiệp, Học viện múa Việt Nam phải có hồ sơ, báo cáo đến Phòng GD&ĐT khi đó đơn vị mới phê duyệt.
Liên quan đến việc này, Trưởng Phòng quản lý thi và kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT) ông Phạm Quốc Toản yêu cầu, Phòng GD&ĐT Cầu Giấy phối hợp chặt chẽ với Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề thực hiện đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.
Đại diện cha mẹ học sinh cũng cho biết, quá trình đào tạo văn hóa tại Học viện Múa Việt Nam, học sinh được học đầy đủ các môn văn hóa như các trường THCS, THPT khác.
Cuối năm lớp 9, kết thúc bậc học THCS, Học viện Múa Việt Nam đều tổ chức cho các học sinh đạt yêu cầu tiếp tục được đào tạo vào lớp 10. Sau khi học hết lớp 12, Học viện Múa Việt Nam tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, tất cả các khoá học sinh từ năm 2017 đến nay đều không nhận được bất kỳ loại bằng tốt nghiệp nào từ bằng THCS, THPT, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng liên thông. Sau đó, Bộ GD&ĐT đồng ý cấp bằng tốt nghiệp THCS cho những học sinh này.